Có thể nói, Mỹ và phương Tây đã kích hoạt một cuộc chiến tranh khác, chiến tranh kinh tế, với mục tiêu gây thiệt hại lớn nhất có thể cho nền kinh tế "xứ Bạch Dương".
|
Biểu tượng hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT tại hội nghị tài chính ngân hàng ở Toronto, Canada. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Đòn trừng phạt hàng loạt
Đòn đánh được xem là mạnh nhất là loại 7 ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, phong tỏa các tài sản của ngân hàng này ở nước ngoài. Trong danh sách trừng phạt có các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Nga là Ngân hàng Ngoại thương (VTB), Ngân hàng Tiết kiệm (Sberbank), Gazprombank, Rosselkhozbank, và một số ngân hàng tư nhân như Sovcombank và MKB, cũng như áp dụng với 90 công ty con của các ngân hàng này, kể cả những ngân hàng hoạt động ở nước ngoài. Các hành động này nhắm vào gần 80% tổng tài sản ngân hàng ở Nga và, theo Bộ Tài chính Mỹ, được kỳ vọng sẽ có tác động sâu sắc, lâu dài đến nền kinh tế Nga.
Với các ngân hàng thương mại, VTB, sở hữu gần 20% tổng tài sản ngân hàng của Nga, là ngân hàng hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất. Ngân hàng này bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, cấm giao dịch bằng đồng USD và cấm thực hiện bất kỳ giao dịch nào với các đối tác Mỹ. Các hạn chế này cũng áp dụng cho các công ty con mà VTB sở hữu từ 50% cổ phần trở lên. Trong khi đó, tài sản của Sberbank, ngân hàng nắm giữ 1/3 tổng tài sản tài chính ở Nga, chưa bị đóng băng. Tuy nhiên, Sberbank phải tuân theo chỉ thị Trừng phạt tài khoản phải trả và đối tượng phải trả. Điều này có nghĩa là các công ty Mỹ phải từ chối tất cả các khoản thanh toán bằng USD từ ngân hàng của Nga.
Ngân hàng trung ương Nga cũng không tránh khỏi làn sóng trừng phạt. Theo một chuyên gia của Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế, tính vào thời điểm giữa tháng Hai năm nay, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga tương đương khoảng 643 tỷ USD. Trong số đó có nhiều tỷ USD được đầu tư vào trái phiếu nước ngoài hoặc dưới hình thức tiền gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Do phương Tây áp đặt cấm vận, Ngân hàng trung ương Nga đã hao hụt đáng kể công cụ bình ổn thị trường tiền tệ. Đây chính là những nguyên nhân khiến giá đồng USD tại Nga tăng vọt, tới gần 40% đồng thời Ngân hàng trung ương Nga cũng phải nâng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên tới 20% nhằm ngăn chặn việc người dân đổ xô rút tiền hàng loạt.
|
Ngân hàng Trung ương Nga tại thủ đô Moskva. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Không dừng lại trong lĩnh vực tài chính, các biện pháp trừng phạt còn được áp dụng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga. Đáng chú ý trong số này là việc nhiều hãng tàu biển lớn như Maersk Line, Hapag Lloyd, MSC, Ocean Network Express… thông báo việc ngừng hoặc ý định ngừng khai thác tuyến đường với Nga. Với động thái này, hàng hóa nhập/xuất khẩu vào Nga sẽ bị nghẽn nghiêm trọng, từ đó làm đình trệ cỗ máy kinh tế.
Những cú đòn liên tiếp đánh vào chuỗi cung ứng đã khiến cho thị trường hàng hóa tiêu dùng của Nga rúng động. Tại các chợ lớn, tiểu thương kinh doanh hoàng hóa nhập khẩu hoặc liên đới nhiều đến nhập khẩu ngập ngừng không dám bán hàng. Trong khi tỷ giá hối đoái tăng mạnh, bán hàng theo giá cũ khi nhập hàng lại sẽ lỗ vốn còn nếu bán theo giá mới thì người tiêu dùng chưa thể chấp nhận mặt bằng sốc đó. Nhiều mặt hàng thiết yếu trong các siêu thị cũng trống rỗng. Chuỗi siêu thị tiện lợi Auchan nổi tiếng của Pháp ở thủ đô Moskva đã phải đăng thông báo hạn chế số lượng mua một số mặt hàng như thực phẩm đóng hộp, dầu thực vật, ngũ cốc, bột mỳ, mỳ ống, đặc biệt là đường cát.
Một hình thức trừng phạt khác đó là cấm vận công nghệ và trang thiết bị. Hai hãng chế tạo máy bay lớn Boeing và Airbus đã thông báo rút hỗ trợ kỹ thuật và ngừng cung cấp linh kiện thay thế cho ngành công nghiệp hàng không Nga. Như vậy, trong thời gian tới, các máy bay của hai hãng trên trong thành phần đội bay thương mai của Nga sẽ khó có thể cất cánh do không được bảo trì thường xuyên hay thiếu linh kiện thay thế. Điều này cũng đúng với một số lượng không nhỏ các nhà máy trên lãnh thổ Nga đang sử dụng máy móc, công nghệ phương Tây, do thiếu phụ tùng thay thế. Hãng VW nổi tiếng của Đức, hay các nhà sản xuất ô tô Volvo, Scania cũng thông báo ngừng sản xuất và xuất khẩu xe sang Nga, và cùng với tỷ giá USD tăng vọt, giá bán hầu hết các dòng xe ô tô tại Nga đã tăng mạnh, trung bình là 10%.
Sách lược ứng phó
|
Bảng thông báo tỷ giá đồng ruble Nga và đồng đôla Mỹ, tại Moskva, ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Có thể nói các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là rất ngặt nghèo, nhằm hủy hoại nền kinh tế Nga, và về lâu đài nó có thể khiến cho kinh tế Nga rơi vào khốn đốn nếu không có các biện pháp hóa giải. Dựa trên mô hình tính toán, các chuyên gia Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel cho rằng cuộc chiến kinh tế sẽ khiến Nga phải trả giá đắt, và càng kéo dài, Nga sẽ càng chịu nhiều thiệt hại. Theo tính toán của họ, các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy giảm nền kinh tế Nga hàng năm tới gần 10%.
Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng trong những năm vừa qua Nga đã nỗ lực xây dựng một "pháo đài tài chính" cho phép nước này có thể đối phó với các lệnh trừng phạt mới của phương Tây mà không tổn hại nhiều. Theo quan điểm của các nhà phân tích, trong thời gian vừa qua Nga đã tích cực tăng cường dự trữ, giảm nợ công xuống một trong những mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời đạt được thặng dư ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov từng cho biết kinh tế Nga có thể chịu được các lệnh trừng phạt. Ông nói thêm rằng Nga đã tạo ra một tấm đệm an toàn dưới hình thức Quỹ Tài sản Quốc gia và nó sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế.
Tờ Financial Times cũng ghi nhận quá trình phi USD hóa nền kinh tế do chính quyền Nga khởi xướng. Nga ngày càng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách chuyển đổi cả tiền tiết kiệm và các khoản thanh toán ngoại thương sang các đồng tiền khác, như euro và nhân dân tệ. Theo ngân hàng ING, trong giai đoạn 2014-2019, tỷ trọng đồng USD trong các dòng chảy tài chính và thương mại của Nga đã giảm 15-20%.
Tuy nhiên, trước mắt, Nga vẫn phải áp dụng một loạt các biện pháp mạnh để ổn định thị trường tiền tệ. Ngoài việc tăng lãi suất chủ đạo lên tới 20%, Chính phủ Nga cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lớn phải bán ra 80% nguồn ngoại tệ thu được. Thêm vào đó, Nga đưa vào áp dụng thuế khi mua ngoại tệ ở mức tới 30%, đồng thời Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cũng đã thông qua trong lần xem xét thứ nhất (mỗi dự luật cần được thông qua 3 lần) dự luật bãi bỏ áp thuế giá trị gia tăng 20% đối với người mua vàng thỏi để khuyến khích người dân tích trữ vàng thay cho ngoại tệ. Duma Quốc gia cũng đã thông qua luật ưu đãi tín dụng quy định việc hoãn thanh toán hoặc xóa nợ. Người dân, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể nhận được ưu đãi nếu thu nhập giảm trên 30%.
Là một quốc gia rộng nhất thế giới với rất nhiều tài nguyên khoáng sản, Nga có trong tay nhiều nguồn lực để đối phó với các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây. Một bộ máy hành chính hiệu quả cùng với những chuyên gia kinh tế thành thạo có lẽ sẽ giúp nước Nga đối phó hữu hiệu hơn trước các lệnh trừng phạt.
Theo Duy Trinh (P/v TTXVN tại Moskva)