Ông Putin sẽ chiến thắng “knock-out” trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga
Kết quả cuộc điều tra dư luận vừa được Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến cộng đồng Nga (VTsIOM) công bố cho thấy, nếu cuộc bầu cử Tổng thống Nga được tổ chức vào Chủ nhật tới thì Tổng thống Putin sẽ giành chiến thắng tuyệt đối với 81,1% phiếu bầu.
Kết quả điều tra dư luận cho thấy Tổng thống đương nhiệm Putin nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Ảnh: RT
Ứng viên của Đảng Cộng sản Liên bang Nga Pavel Grudinin có được 7,6% phiếu ủng hộ. Trong khi, đại diện của Đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky giành 4,2% số phiếu. Một số ứng cử viên Tổng thống khác chỉ giành chưa tới 1% phiếu bầu.
Cuộc điều tra được tiến hành tuần trước cho thấy 67% người dân Nga được hỏi đều khẳng định sẽ tham gia bỏ phiếu bầu Tổng thống. 15% vẫn còn lưỡng lự và chỉ có 3% tuyên bố không đi bầu cử.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Dân chủ Tự do thể hiện không đồng tình với kết quả thăm dò này, đồng thời cho biết các cuộc thăm dò dư luận do các đảng này tự tiến hành đáng tin cậy hơn.
Trong đó, cuộc khảo sát qua điện thoại do Đảng Cộng sản Liên bang Nga thực hiện cho thấy 10% người dân Nga được hỏi trả lời rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của đảng này ông Pavel Grudinin- người lần đầu tham gia tranh cử Tổng thống.
Đảng Dân chủ Tự do Nga thậm chí còn nhiều niềm tin hơn vào đại diện của mình dù rằng ông Vladimir Zhirinovsky đã 5 lần tham gia cuộc đua vào Điện Kremlin, song chưa lần nào ông này nhận được quá 10% phiếu ủng hộ.
Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã nhận hơn 60 hồ sơ đăng ký tranh cử Tổng thống. Trong đó, ngày 27/12 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân nộp hồ sơ tái tranh cử.
Tại cuộc họp báo thường niên năm 2017 vào ngày 14/12, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ ra tranh cử tái nhiệm với tư cách ứng cử viên tự do, không theo danh sách đảng, song ông hy vọng sẽ có được sự ủng hộ của các đảng và đông đảo người dân.
Cuộc bầu cử sẽ châm ngòi bùng nổ căng thẳng Nga-Ukraine
Ngày 18/12, chiến dịch tranh cử tổng thống Nga đã chính thức bắt đầu. Trước đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua thời gian tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 18/3/2018- trùng với mốc thời gian Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra vào ngày 18/3/2018. Ảnh: RT
Báo chí Nga dẫn các nguồn tin ngoại giao cảnh báo sóng gió sẽ nổi lên, thậm chí những tổ chức phản đối Nga tại Ukraine có hành động mạnh mẽ trong dịp này. Các nguồn tin ngoại giao không dám chắc việc Nga có thể mở các hòm phiếu tại Ukraine vì những lý do an ninh.
Ủy ban bầu cử trung ương Nga đã khuyến cáo công dân nước này đang ở Ukraine trở về nước trước cuộc bầu cử. Cơ quan này cho rằng “không ai có thể đảm bảo được an ninh cho công dân Nga”.
Những lo ngại và cảnh báo này là không hề thừa khi cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hồi tháng 9/2016 đã chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ và biểu tình bạo lực tại Ukraine.
Cảnh sát Ukraine thời điểm đó đã chật vật khống chế những người biểu tình cố ngăn chặn các nhà ngoại giao và công dân Nga tại Ukraine tham gia bỏ phiếu.
Chính phủ Ukraine đã gửi công hàm tới Nga, khẳng định không thể tiến hành bầu cử Duma Quốc gia tại Crimea.
Đáp trả, phía Nga tuyên bố “Crimea là một phần không thể tách rời của Nga, và quyết định tổ chức bầu cử ở đó là đặc quyền của Liên bang Nga. Quyết định của Kiev là vi phạm các chuẩn mực phép xã giao và nguyên tắc giao tiếp văn minh giữa các dân tộc. Ukraine đang cố tình làm căng thẳng quan hệ song phương”.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Liên bang Nga và Kiev cũng cáo buộc Moscow liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông quốc gia láng giềng này.
Kéo theo đó là đối đầu leo thang giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Từ sau vụ sáp nhập Crimea đến nay, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) vẫn duy trì những trừng phạt kinh tế hà khắc nhằm vào những lĩnh vực trọng yếu của Nga.
Moscow cũng trả đũa bằng trừng phạt nông nghiệp và năng lượng với EU và Mỹ. Tuy nhiên, các trừng phạt đáp trả nhau này là con dao hai lưỡi khiến cả Nga và các cường quốc phương Tây cùng chịu hậu quả nặng nề.
Theo Hoàng Lê/VOV.VN (Sputnik)