|
Đoàn đại biểu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang cùng lãnh đạo, cán bộ tỉnh Phongsaly. Ảnh: Báo Nhân dân
|
Hiện nay, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc đang có những khó khăn, thách thức lớn. Đó là kinh tế chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch lớn về mọi mặt giữa các vùng, các dân tộc, sự phân hóa giàu nghèo, sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc ở miền Bắc.
Là tổ chức đại diện cho các giai tầng trong xã hội, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới Nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời vận động, thuyết phục Nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đó. Mặt trận tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách dân tộc hoặc tham gia cùng các cơ quan có trách nhiệm để thực hiện giám sát. Nội dung giám sát thực hiện chính sách dân tộc của Mặt trận được thực hiện dựa trên Quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và các tổ chức quần chúng đối với các cơ quan chính quyền nhà nước trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ban hành ngày 9/12/2020 và Nghị định số 207/CP ngày 20/3/2020 về công tác dân tộc do Bộ Nội vụ ban hành và một số văn bản khác.
Cùng với hoạt động giám sát, Mặt trận thực hiện phản biện xã hội đối với việc ban hành và thực hiện chính sách dân tộc. Tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thực hiện chính sách dân tộc của chính quyền và các cơ quan có liên quan. Xây dựng khối đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận còn góp phần trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc Lào; động viên Nhân dân tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh quốc phòng.
Để quá trình thực hiện chính sách dân tộc mang lại hiệu quả cao, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã có nhiều giải pháp, nhưng với đặc thù đa số người dân ở các tỉnh phía Bắc là đồng bào các dân tộc thiểu số thì việc phát huy vai trò của người tiêu biểu có uy tín là một giải pháp rất hữu hiệu. Đồng chí Bounnhang Vorachith, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong bài nói chuyện tại Hội nghị Người có uy tín trong các dân tộc toàn quốc lần thứ 3 tại Thủ đô Vientiane, ngày 13/12/2018 đã nói: “Người có uy tín là nói đến người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động vì xã hội trong các lĩnh vực và nhận được sự tín nhiệm, kính trọng, mến phục, tôn sùng từ cộng đồng nhân dân ở các mức độ khác nhau hay nói cách khác vai trò của người có uy tín là được sinh ra từ lòng tin, sự tin tưởng rất đỗi tự nhiên từ Nhân dân, mà không phải được sinh ra từ một quyền lực, nhiệm vụ nào hết”1.
Trong Quyết định số 271/TWMT ngày 12/6/2018 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước về Quy định và tiêu chuẩn của người có uy tín đã đưa ra khái niệm người có uy tín trong các dân tộc: “là những cá nhân có trình độ hiểu biết, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành, lĩnh vực nào đó, là người có nhiều bài học và kinh nghiệm có thể hướng dẫn, truyền đạt chuyển giao kiến thức cho ngành, cộng đồng và địa phương tổ chức thực hiện đạt lợi ích cao, là người nhận được sự tín nhiệm, suy tôn của quần chúng trong một phạm vi nhất định”2. Quyết định này đồng thời cũng đã quy định tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành người có uy tín.
Kể từ khi thành lập, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong Cương lĩnh chính trị tháng 3/1955 của Đảng đã khẳng định “Đối với người có uy tín yêu nước, già làng, trưởng bản phải có chính sách thích hợp”3. Đại hội II của Đảng (tháng 2/1972) đã nhấn mạnh: “Giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, tập hợp nhân dân các dân tộc, mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, giới tính, độ tuổi, những người có uy tín yêu nước và tiến bộ một cách rộng rãi, tạo thành khối đại đoàn kết vững chắc”4.
Ngày 1/6/1981 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 03/BCT về công tác dân tộc cũng đã nhấn mạnh: “Quan tâm giáo dục bồi dưỡng chính trị và thực hiện đúng chính sách đối với các tộc trưởng, phát huy vai trò của họ trong việc tập hợp đoàn kết giữa những người trong nội tộc, giữa các dân tộc và vận động con cháu tham gia giữ gìn bảo vệ và xây dựng bản làng, quê hương đất nước”5.
Tiếp tục quan điểm này, ngày 20/5/1992, trong Nghị quyết về công tác dân tộc trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ “Phải đặc biệt quan tâm giáo dục bồi dưỡng chính trị và thực hiện đúng chính sách đối với các tộc trưởng, già làng, trưởng bản, phát huy vai trò của họ trong việc tập hợp đoàn kết giữa những người trong nội tộc, giữa các dân tộc và vận động con cháu tham gia giữ gìn bảo vệ và xây dựng bản làng, quê hương đất nước. Đồng thời, cũng phải rà soát, thu thập danh sách cán bộ các dân tộc về nghỉ hưu, thương binh và gia đình liệt sĩ, quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với họ”6; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII có Nghị quyết chuyên đề công tác dân tộc và tôn giáo, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, tộc trưởng, già làng, trưởng bản của các dân tộc để họ tham gia nhiều hơn vào việc giáo dục bồi dưỡng, giải quyết đói nghèo”7.
Tiếp tục quan điểm này, Uỷ ban Mặt trận Lào Xây dựng đất nước nắm chắc Nhân dân, nắm chắc tổ chức cấp cơ sở, bồi dưỡng họ, quan hệ mật thiết, gắn bó mật thiết với cán bộ lão thành về hưu, già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động họ trở thành ngọn cờ tập hợp sự đoàn kết, gương mẫu trong hành động, là tấm gương tốt cho thế hệ trẻ noi theo.
Đặc điểm nổi bật nhất kể từ xưa cho đến nay đó là dân tộc Lào gồm nhiều dân tộc, trong những dân tộc đó lại có những người cao tuổi, có vai trò, uy tín trong bản, cộng đồng hay địa phương... Đồng thời ở mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ phát triển của dân tộc đều có những cá nhân, người có uy tín, bao gồm những người cao tuổi là giường cột của bản làng, quê hương, những tộc trưởng, những người có công, anh hùng, người hoạt động xã hội nổi bật có vai trò trực tiếp đối với xã hội, có thể trở thành ngọn cờ, nòng cốt hạt nhân trong việc tập hợp sự đoàn kết, hoà hợp của Nhân dân trong cộng đồng, địa phương và các giới.
Tiếp thu quan điểm của Đảng, Mặt trận Lào xây dựng đất nước luôn chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và trong thực hiện chính sách dân tộc nói riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào.
Thứ nhất, để chính sách dân tộc được thực hiện, đòi hỏi cần phải làm công tác vận động, nhưng chỉ dựa vào cán bộ Mặt trận và đoàn thể làm công tác vận động thì hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, cần thiết phải phát huy vai trò của người có uy tín trong các dân tộc. Lời nói của họ đối với dân bản rất có hiệu quả.
Thứ hai, tích cực vận động Nhân dân các bộ tộc tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Người có uy tín luôn đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để cải thiện điều kiện sống cho một số dân tộc sống ở vùng núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế thiếu thốn, Nhà nước có chính sách chuyển các bản đến sống dọc đường giao thông, nhưng Nhân dân các bản đó đã quen với cuộc sống của mình dù gian nan vất vả, không muốn di chuyển. Người có uy tín của bản đã gương mẫu đi đầu và vận động bà con cùng hỗ trợ nhau di chuyển đến nơi ở mới. Hoặc trong việc đưa giống cây trồng mới về bản, dù đã được chính quyền phổ biến về lợi ích của việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhưng đồng bào vẫn do dự vì không biết kết quả như thế nào. Người có uy tín đã đi đầu thực hiện và vận động, thuyết phục các gia đình trong bản cùng làm theo. Bởi vì người dân tin tưởng người có uy tín bao giờ cũng vì lợi ích của dân bản, luôn bảo vệ dân bản nên họ đã làm là dân làm theo.
Thứ ba, vận động Nhân dân các bộ tộc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, đấu tranh chống lại những văn hoá lai căng có tác động tiêu cực. Đây là một vấn đề không đơn giản, bởi vì những cái đã thấm sâu trong mỗi con người từ đời này truyền sang đời khác dù biết là không tốt nhưng rất khó xóa bỏ. Cán bộ Mặt trận đã tìm đến người có uy tín, nói cho họ thấu hiểu để họ đi đầu thực hiện và vận động Nhân dân thực hiện theo. Việc làm này đã đưa lại kết quả ngoài sự mong muốn.
Thứ tư, tham gia công tác giám sát, phản biện đối với việc ban hành và thực hiện chính sách dân tộc. Trong quá trình ban hành chính sách dân tộc, người có uy tín dựa trên cơ sở nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong dân tộc mình nên đã đóng góp ý kiến vào bản dự thảo. Điều này góp phần làm cho chính sách ban hành phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các dân tộc. Người có uy tín được Mặt trận cơ sở tin tưởng đưa vào Ban Thanh tra Nhân dân để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của chính quyền cơ sở.
Thứ năm, tham gia hoà giải bất đồng, mâu thuẫn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vốn sống hiền hoà, đoàn kết, rất ít xích mích với nhau, nhưng sự sôi động của cuộc sống trong cơ chế thị trường có lúc làm nảy sinh bất đồng cần hoà giải. Cán bộ Mặt trận ở bản thông qua người có uy tín đã giải quyết bất đồng, mâu thuẫn trong một gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa bản này với bản khác, giữa chính quyền với Nhân dân để cùng chung sống yên lành với nhau. Người có uy tín còn vận động con em các gia đình nghiện hút đi cai nghiện, làm lại cuộc đời.
Thứ sáu, vận động Nhân dân tham gia công tác an ninh - quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nơi đồng bào các dân tộc sinh sống.
Trong thời gian qua, Mặt trận các cấp ở các tỉnh phía Bắc đã phát huy vai trò của người có uy tín trong việc vận động, thuyết phục, tổ chức thực hiện nhiều chính sách dân tộc. Tiêu biểu như:
Về kinh tế, thực hiện giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu nông thôn. Thiết lập cơ chế quản lý hành chính thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với sự tham gia của các dân tộc, nhà nước và tư nhân. Khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội và dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Khuyến khích phát triển sản phẩm thủ công dân tộc có thế mạnh, là đặc trưng và truyền thống của dân tộc. Chuyển từ sản xuất dựa vào thiên nhiên sang sản xuất có áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Quy hoạch các dân tộc ở khu vực cách trở, thiếu điều kiện phát triển đến nơi ở có điều kiện thuận lợi hơn.
Về giáo dục, thể thao, y tế, cho con em đến trường học; tham gia và tăng cường thể thao dân tộc. Xây dựng bản kiểu mẫu về y tế tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa một cách rộng khắp, có kiến thức, hiểu đúng về việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, ăn uống đúng nguyên tắc vệ sinh và dinh dưỡng. Tuyên truyền, phổ biến và xây dựng ý thức cho Nhân dân các dân tộc hiểu, biết về tác hại của việc mang thai trước độ tuổi cũng như kết hôn cận huyết của một số dân tộc.
Về văn hoá, du lịch, bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán là niềm tự hào của dân tộc mình. Xây dựng bản kiểu mẫu về văn hóa và bản kiểu mẫu có nhiều dân tộc cùng chung sống. Xây dựng hội trường bản, tổ chức các lễ hội văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống của địa phương, triển lãm, trưng bày và các lễ hội quan trọng khác phản ánh đến đặc trưng văn hóa, lối sống của dân tộc để phát triển du lịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tôn trọng phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa đa sắc màu của nhau để góp phần xây dựng văn hóa tốt đẹp của dân tộc và đất nước. Củng cố, phát triển các sản phẩm văn hóa dân tộc đa dạng và có chất lượng cao, góp phần vào việc phát triển đời sống của các dân tộc.
Về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đảm bảo cho sự phát triển. Phổ biến thông tin, xây dựng ý thức, sự hiểu biết để Nhân dân các dân tộc thấy được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống hàng ngày, đồng thời vận động họ thực hiện nghiêm pháp luật, quy định liên quan đến môi trường. Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đường lối chính sách, pháp luật, các quy định liên quan đến công tác quốc phòng - an ninh cho Nhân dân các dân tộc hiểu, biết bằng nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với từng vùng và từng đối tượng. Vận động Nhân dân không di dịch cư, định cư trái phép.
Trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp để Mặt trận các cấp ở các tỉnh phía Bắc phát huy được vai trò của người có uy tín trong thực hiện chính sách dân tộc.
Một là, nâng cao nhận thức của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức quần chúng về vai trò của người có uy tín trong các dân tộc thiểu số. Bởi vì trước hết các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này thì mới có thể có những giải pháp thích hợp để người có uy tín phát huy vai trò của mình. Khi đã thống nhất nhận thức, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp sẽ luôn chú trọng việc quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò của người có uy tín và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế cho thấy, địa phương nào biết coi trọng, phát huy vai trò của người có uy tín thì việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thành công hơn.
Hai là, định kỳ phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trang bị cho người có uy tín quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về chính sách dân tộc nói riêng. Bởi vì trước hết họ phải am hiểu về những vấn đề mà mình tuyên truyền, vận động Nhân dân nơi mình sinh sống thì mới có thể thuyết phục người khác được.
Ba là, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và các tổ chức quần chúng, chính quyền bản phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người có uy tín trong các dân tộc thiểu số góp phần tích cực và có hiệu quả vào trong thực hiện chính sách dân tộc. Có thể bố trí họ giữ một vị trí nào đó trong Uỷ ban Mặt trận, trong các tổ chức quần chúng, trong tổ chức chính quyền để họ có một vị thế nhất định thì sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong dân tộc của mình.
Bốn là, hàng năm, Mặt trận phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của người có uy tín, ghi nhận công lao và suy tôn họ trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, đúc rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo nhằm làm cho công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong các dân tộc sinh sống tại các tỉnh phía Bắc đạt hiệu quả cao hơn.
Năm là, có chính sách phù hợp về mặt vật chất và tinh thần để vừa khuyến khích người có uy tín tham gia hoạt động đồng thời tạo thuận lợi cho họ trong cuộc sống.
Chú thích:
1. Bounnhang Vorachith, Bài nói chuyện tại Hội nghị Người có uy tín trong các dân tộc toàn quốc lần thứ 3 tại Thủ đô Vientiane, ngày 13/12/2018, tr.11.
2. Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, Quyết định số 271/TWMT ngày 12/6/2018 về Quy định và tiêu chuẩn của người có uy tín, tr.1.
3. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Cương lĩnh chính trị năm 1955, tr.3.
4. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1972), tr.8.
5. Ngày 1/6/1981 Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/BCT về công tác dân tộc, tr.3.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nghị quyết về công tác dân tộc trong thời kỳ mới, ngày 20/5/1992, tr.9.
7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16/11/2007, tr.6.
PHETSAMONE DUANGPASERT, NCS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nguyễn Văn Trung, TS, Trường Đại học Vinh