Tăng trưởng nông nghiệp xanh (AGG) là một khuôn khổ đầu tư nhằm giải quyết vấn đề sản xuất lương thực nhiều hơn bằng việc duy trì đa dạng các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ hệ sinh thái trong điều kiện đất đai và tài nguyên hữu hạn. Khung AGG xác định các cơ hội hiện tại và đang xuất hiện để làm hài hòa giữa phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực trong khu vực với việc giảm đói nghèo tại địa phương và bảo tồn hệ sinh thái. Trong khuôn khổ này, các nhà đầu tư quốc tế, quốc gia, chính phủ các nước, chính quyền địa phương và toàn xã hội bao gồm nông dân, cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác thực hiện.
Khu vực Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Hơn 42% người nghèo trên thế giới có thu nhập dưới 1,25USD/ngày nằm ở khu vực này. Tình trạng suy dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ chiếm số lượng lớn với gần 21% dân số bị suy dinh dưỡng, 41% trẻ em bị thiếu cân nặng và 8% qua đời trước khi lên 5 tuổi.
Gia tăng dân số cùng với tăng trưởng kinh tế đã gây áp lực lớn lên ngành nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai về an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Nam Á nhận định rằng giải pháp cho các vấn đề trên nằm ở một nền kinh tế xanh. Tăng trưởng nông nghiệp và bảo vệ môi trường là một phần quan trọng trong chiến lược này. Việc sử dụng các yếu tố đầu vào không hiệu quả như nguồn nước, phân bón và tài nguyên thiên nhiên làm suy giảm năng suất cây trồng dẫn đến giảm lợi nhuận. Giá lương thực tăng cao, các chính sách về sản phẩm nội địa và chính sách thương mại không ổn định, các thể chế nông nghiệp suy yếu đã làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở khu vực này.
Một nghiên cứu của Viện Nguyên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI) cho thấy khả năng sản lượng nông nghiệp sẽ thấp hơn đáng kể do biến đổi khí hậu đặc biệt ở Nam Á và các hộ gia đình nhỏ là những người dễ bị tổn thất lớn nhất trước biến đổi khí hậu vì khả năng chịu đựng rủi ro của họ rất thấp. Để khắc phục những vấn đề này, chính phủ các quốc gia Nam Á đã đưa ra những chính sách thích hợp để hỗ trợ người nông dân, bao gồm việc cung cấp các công nghệ như bảo tồn nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng, các sáng kiến về thể chế như các kế hoạch nền kinh tế xanh bền vững và xóa đói giảm nghèo của các hợp tác xã nông nghiệp hay công ty.
Ấn Độ
Một trong các quốc gia Nam Á đã có những biện pháp tập trung vào an ninh lương thực quốc gia để đảm bảo thu nhập an toàn cho người dân đó là Ấn Độ.
Cuộc cách mạng xanh ở Ấn Độ được đặc trưng bởi việc sử dụng nhiều loại hạt giống và phân bón có năng suất cao, giúp tăng đáng kể năng suất đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ban Hội thẩm để đề xuất các biện pháp giúp tăng gấp đôi thu nhập của người nông dân cho đến năm 2022.
Nông dân Ấn Độ làm việc trên đồng ruộng (Ảnh: The Wire)
Rào cản đầu tiên cần vượt qua là sự suy giảm năng suất. Dữ liệu từ năm 2013 cho thấy, sản lượng gạo trung bình của Ấn Độ trên mỗi hecta thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia. Để vượt qua tình trạng này, Ấn Độ đã tiến hành cuộc “Cách mạng Cầu vồng” bằng cách chuyển từ trồng lúa mì sang các loại ngũ cốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng chuyển sang xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ để sử dụng hiệu quả và hợp lý các nguồn nước khan hiếm.
Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất để nâng cao năng suất nông nghiệp đó là việc thiếu các công nghệ mới mang tính đột phá. Hệ thống Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Ấn Độ vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng xanh thì trong những năm gần đây chưa có tính đột phá lớn mà một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn lực tài chính. Trong khi Ấn Độ chi 31% GDP nông nghiệp cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thì Trung Quốc đã chi gần gấp đôi. Ngay cả người hàng xóm là Bangladesh cũng dành hơn 38% GDP nông nghiệp cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Nhật Bản
Một quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á đã có nền nông nghiệp trong đô thị nổi bật bởi áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo tính bền vững và thân thiện với sinh thái đó là Nhật Bản. Có thể nói sản lượng nông nghiệp ở khu vực đô thị Nhật Bản chiếm một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp của cả nước. Nông dân đô thị chiếm 25% số hộ nông dân của quốc gia này. Ngay cả ở Tokyo, một trong những thành phố lớn và luôn đông đúc nhất thế giới, nơi mạng lưới đường sắt, các tòa nhà, hệ thống điện phức tạp, nông nghiệp đô thị vẫn có thể cung cấp lương thực cho gần 700.000 cư dân ở thành phố này.
Nông nghiệp trong đô thị tại Nhật Bản (Ảnh: Far Eastern Agriculture)
Nông nghiệp trong đô thị Nhật Bản cung cấp nguồn sản phẩm tươi và an toàn bao gồm các loại cây hữu cơ, sử dụng ít hóa chất. Hình thức nông nghiệp trong đô thị đã mở ra cơ hội cho người dân đô thị tham gia vào các hoạt động nông nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trao đổi giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Hình thức này còn mở rộng không gian cho việc quản lý thiên tai, bao gồm phòng chống cháy lan trên diện rộng, mở không gian sơ tán cho người dân khi động đất xảy ra. Không những vậy, nông nghiệp trong đô thị còn mở ra không gian xanh cho các hoạt động giải trí cá nhân. Quan trọng nhất là người dân sẽ nhận được sự giáo dục để nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề nông nghiệp bền vững.
Ngoài các vấn đề trên, nông nghiệp trong đô thị còn đóng góp tích cực vào sự bền vững và phúc lợi ở các thành phố của Nhật Bản. Ví dụ, bằng cách tăng diện tích đất bề mặt có thể giúp tăng hiệu quả quản lý nước mưa, giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Nông nghiệp trong đô thị cũng có thể đóng góp cho các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học bằng cách cung cấp môi trường sống và quản lý các loài thực vật ở địa phương. Hơn nữa, nó còn có thể cung cấp nguồn năng lượng sinh học từ việc quản lý rừng.
Mặc dù nông nghiệp ở các thành phố Nhật Bản đem lại nhiều lợi ích thực tế và tiềm năng nhưng nó cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Chỉ trong thập kỷ qua, việc sử dụng đất nông nghiệp đã giảm hơn 40% do các tác động liên quan đến đô thị. Số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực thành thị cũng giảm đáng kể, chẳng hạn như ở Tokyo, số gia đình tham gia vào hoạt động nông nghiệp đã giảm 60% kể từ năm 1975.
Những thách thức đối với nông nghiệp trong đô thị Nhật Bản xuất phát từ nhân khẩu học, các rào cản về thuế, thương mại hóa và chuyển đổi năng suất. Mặc dù có nhiều trở ngại nhưng nền nông nghiệp trong đô thị của Nhật Bản vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng bền vững và đảm bảo phúc lợi địa phương dựa trên các khía cạnh về quản trị, kinh tế, môi trường và xã hội. Nhật Bản áp dụng những cách tiếp cận khái niệm mới trong đó đẩy mạnh việc quản lý các hệ sinh thái địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phát triển các mạng lưới sản xuất bền vững là nền tảng để đạt được một nền kinh tế tăng trưởng xanh. Người tiêu dùng Nhật Bản trồng cây nông nghiệp ở khu vực đô thị đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc thành lập các mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ở các thành phố có thể đóng góp vào sự bền vững và tạo ra cơ hội phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Nhật Bản có xây dựng một cơ chế đổi mới tài chính, theo đó chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái đô thị và đa dạng sinh học, bồi thường kinh tế cho việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường là một sự sáng tạo tích cực để tạo ra một nền kinh tế xanh.
Thái Lan
Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn phụ thuộc rất lớn vào ngành nông nghiệp. Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã có những biện pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong đó có việc xây dựng các thành phố nông nghiệp xanh. Trong năm 2014, 6 tỉnh, thành phố của Thái Lan đã được lựa chọn để phát triển thành các thành phố nông nghiệp xanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, phù hợp với văn hóa địa phương.
Dự án “Thành phố Nông nghiệp xanh” đã được Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đưa ra như một dự án hàng đầu trong năm tài chính 2014 để hỗ trợ phát triển tăng trưởng xanh.
Trồng lúa ở Thái Lan (Ảnh: Nikkei Asian Review)
6 địa điểm được thí điểm bao gồm Chiang Mai ở phía Bắc, Nong Khai và Si Sa Ket ở vùng Đông Bắc, Chanthaburi ở phía Đông, Phatthalung ở phía Nam và Ratchaburi ở miền Trung. Dự án bao gồm việc phát triển tất cả các trang trại, cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Dự án nằm trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 11, giai đoạn 2012-2016. Kế hoạch tập trung vào các nỗ lực hướng tới một thế giới xanh hơn bằng việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường hướng tới sự bền vững.
Thái Lan nhận thấy nhu cầu được sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh của người dân. Bằng cách sử dụng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nguồn lương thực và năng lượng sạch sẽ được đảm bảo.
Dự án có mục tiêu cải thiện sản xuất nông nghiệp cũng như chất lượng cuộc sống của người nông dân, phù hợp với các chiến lược phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ của Thái Lan. Chiến lược đã thúc đẩy sự quản lý về tri thức, đổi mới và phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường marketing và nâng cao tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Thái Lan, tạo ra sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ thông qua quảng bá thương hiệu.
Cục Khuyến nông Thái Lan đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp xanh để chuẩn bị cho tự do hóa thương mại trong tương lai. Khi cạnh tranh trên thị trường nông sản toàn cầu ngày càng gay gắt, Thái Lan đã chú trọng phát triển tiềm năng và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của mình.
Xu hướng gia tăng về nông nghiệp xanh cũng đảm bảo an toàn cho người nông dân và người tiêu dùng, giúp tăng cường hệ sinh thái nông nghiệp và thúc đẩy nâng cao sức khỏe của người dân.
Hồng Nhung