|
Khu lều tị nạn của người di cư treo lá cờ ủng hộ Tổng thống Biden, người đã cam kết các chính sách nhập cư nhân đạo, rộng mở hơn. Ảnh: AP |
Không lâu trước Giáng sinh năm ngoái, Susan Rice và Jake Sullivan, hai cố vấn hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đã tham gia một cuộc phỏng vấn với EFE (hãng thông tấn lớn nhất thế giới sử dụng tiếng Tây Ban Nha), để đưa ra cảnh báo nghiêm khắc tới những người di cư đang cân nhắc di chuyển lên phía bắc đến biên giới phía nam nước Mỹ: Đừng đến ngay lúc này, nhưng trợ giúp đang tới.
Ngày hôm sau, ông Biden cũng đưa ra phát biểu tương tự, nói rằng chính quyền của ông – vốn đang nóng lòng dẹp bỏ các chính sách nhập cư của người tiền nhiệm Donald Trump – trước tiên cần thực hiện “các lan can bảo vệ” để tránh xảy ra cảnh “2 triệu người ở biên giới”.
Không đầy một tháng sau, tân Tổng thống Biden bắt đầu tự mình phá bỏ một số “lan can” như vậy. Ông ban hành 5 sắc lệnh về nhập cư ngay trong Ngày Nhậm chức và cam kết một chính sách nhập cư nhân đạo hơn, chào đón hơn nhiều so với chính sách của người tiền nhiệm. Chính quyền của ông cũng bắt đầu cho phép trẻ vị thành niên không có người đi kèm được vào Mỹ, đánh dấu sự khác biệt so với cách tiếp cận của ông Trump.
Nhưng lúc này, chính quyền Tổng thống Biden đang vật lộn kiểm soát tình trạng tăng đột biến người di cư lớn nhất trong 20 năm, với khoảng 2 triệu người di cư dồn tới biên giới phía nam Mỹ từ đầu năm tới nay – một kết quả mà Biden đã nói ông muốn tránh.
Cùng với cuộc chiến chống COVID-19, vấn đề nhập cư đã nổi lên như một trong những thách thức cấp bách nhất của chính quyền. Những thách thức này đang bị phe Cộng hoà nắm lấy như một công cụ chính trị, gây rủi ro cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và có khả năng phá hỏng chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden.
Vấn đề cũng có thể đe doạ phủ bóng lên những chiến thắng chính trị gần đây của ông, như việc thông qua gói cứu trợ COVID 1,9 ngàn tỷ USD và đạt những bước tiến nhanh chóng trong nỗ lực tiêm chủng.
Cuộc khủng hoảng được cảnh báo trước
Tình hình ở biên giới – mà ông Biden và các cố vấn kiên quyết từ chối gọi là khủng hoảng – đã được cảnh báo trước nhưng chính quyền vẫn chưa được chuẩn bị tốt và thiếu năng lực đối phó với làn sóng di dân tăng đột biến. Giới chức thi hành cũng bị cản trở bởi những thông điệp mâu thuẫn, đôi khi được đưa ra nhắm vào các nhà hoạt động tự do hơn là vào những người di cư cần được khuyên ngăn đổ tới nước Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền lại thực hiện một số bước – bao gồm cho phép trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm được vào Mỹ - làm tăng dòng người di cư và khuyến khích nhiều người hơn nữa thử vận may.
Hiện có trên 10.000 trẻ em nhập cư không có người đi kèm, được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ chăm sóc, và 5.000 em khác thuộc quản lý của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP). Những con số này gấp gần 2 lần mức kỷ lục trước đây- theo tờ Washington Post.
“Khi bạn tạo ra một hệ thống khuyến khích mọi người đến, hệ thống đó ngay lập tức gửi một thông điệp đến Trung Mỹ rằng, nếu các bạn đến, các bạn có thể ở lại” – nghị sĩ Cộng hoà Vicente Gonzalez, đại diện bang Texas, nơi có đường biên giới giáp Mexico, nói. “Nó khuyến khích hàng loạt người đổ tới, và cách duy nhất để giảm tốc độ là thay đổi chính sách ở ngay cửa ngõ của chúng ta. Nếu họ không thay đổi chính sách, lưu lượng di cư sẽ không dừng lại hay giảm đi”.
Một số yếu tố mà Tổng thống Biden và đội ngũ phải đối mặt đang vượt ngoài tầm kiểm soát của họ, từ những điều kiện đang xấu đi ở Trung Mỹ cho đến dòng người di cư tăng lên, vốn đã diễn ra từ những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Theo một sắc lệnh y tế cộng đồng thời ông Trump, được gọi là Tiêu đề 42, chính quyền ông Biden đã nhanh chóng trục xuất những người vượt biên về Mexico. Nhưng vào cuối tháng 1/2021, nhà chức trách Mexico ngừng tiếp nhận một số gia đình – một bước đi buộc lực lượng biên giới Mỹ phải chấp nhận các cha mẹ có con dưới 7 tuổi, và càng làm trầm trọng hơn dòng người này.
|
Còn hàng ngàn trẻ em đang kẹt ở biên giới Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Trả lời phỏng vấn ABC News, Tổng thống Jode Biden đã phản bác quan điểm cho rằng người xin tị nạn dồn đến biên giới vì họ nghe tiếng ông là một “người tốt”, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi họ ở lại nhà. “Vâng tôi có thể nói rõ rằng: Đừng tới đây. Đừng rời bỏ thị trấn, thành phố hay cộng đồng của các bạn”, ông Biden nói.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng nhiều hành động của họ dựa trên mong muốn lật ngược lại những gì bị cho là chính sách trái pháp luật của ông Trump, cũng như thể hiện cách tiếp cận đồng cảm hơn với người di cư, đặc biệt là trẻ em và các gia đình.
Họ lập luận rằng không có lựa chọn nào tốt, mà việc tiếp tục thực thi chính sách thời ông Trump chỉ đơn giản là trái ngược với quan điểm của chính quyền Biden.
Chưa thấy lối thoát
Những cảnh báo đã được đưa ra từ trước khi ông Biden nhậm chức. Trong quá trình chuyển giao, giới chức tại CBP đã cố gắng đưa ra những cảnh báo cho nhóm của Tổng thống đắc cử Biden như về khả năng khủng hoảng biên giới có thể nhanh chóng lấn át năng lực của quốc gia. CBP còn cung cấp các dự báo mô hình hóa cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm nếu các chính sách của ông Trump bất ngờ được dỡ bỏ.
Phía nhóm chuyển giao đã hiểu rõ rủi ro, xác định sự gia tăng này sẽ khiến tình trạng khan hiếm nơi ăn ở trở nên trầm trọng hơn do đại dịch đang là vấn đề nan giải và cấp bách nhất.
Tuy nhiên, khi nhậm chức, ông Biden đã ngay lập tức bắt tay vào một chiến lược tích cực để lật ngược chính sách của người tiền nhiệm. Ngay ngày đầu tiên, ông đã đình chỉ xây dựng tường biên giới, khẳng định các biện pháp bảo vệ cho thế hệ nhập cư trẻ tuổi, bãi bỏ lệnh cấm đi lại từ 7 quốc gia theo Hồi giáo và ra lệnh cấm trục xuất trong 100 ngày đối với Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ.
Ông Biden cũng gửi đề xuất sửa đổi luật nhập cư lên Quốc hội, bao gồm lộ trình 8 năm để trở thành công dân Mỹ cho những người nhập cư không có tư cách pháp lý.
Nhiều động thái liên tiếp xảy ra nhanh chóng đã làm tăng đáng kể số lượng người tị nạn trong đó có việc ông Biden phát động một chiến dịch đoàn tụ các gia đình bị chia cắt dưới thời ông Trump trong khi nới lỏng các hạn chế đối với trẻ vị thành niên theo Tiêu đề 42.
Ông cũng đã chấm dứt chương trình “Ở lại Mexico", vốn được chính quyền Trump sử dụng để gửi người xin tị nạn trở lại biên giới Mexico, ngoài lãnh thổ Mỹ, cho đến khi vụ việc của họ được giải quyết.
|
Người di cư chen chúc trong một cơ sở của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tại Donna, bang Texas. Ảnh: Axios |
Tuy nhiên, Tổng thống Biden lại không có đủ sự chuẩn bị sẵn sàng khi ông rút lại những chính sách thời ông Trump.
Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas tuần trước thừa nhận chính quyền ông Biden “đối mặt với nhiều người ở biên giới tây nam hơn chúng ta từng phải như vậy trong 20 năm qua”.
Dữ liệu của CBP mới nhất cho thấy các đặc vụ đã thực hiện gần 100.000 vụ bắt giữ và giam giữ chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, hướng tới tháng có số vụ bắt giữ cao nhất kể từ năm 2006. Riêng ngày 10/3, các đặc vụ đã bắt giữ trên 6.200 người.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đang say sưa tấn công nhằm vào các vấn đề biên giới của chính quyền. Phát biểu tại Thượng viện hôm 18/3, Lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell đề cập đến quyết định chỉ đạo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang trợ giúp làn sóng người di cư như một cách để chế nhạo việc chính quyền từ chối gọi đó là một cuộc khủng hoảng.
Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Biden và Mexico đã đạt được một thỏa thuận: Mỹ đồng ý cung cấp cho Mexico vaccine phòng COVID của AstraZeneca và Mexico cam kết sẽ giúp Mỹ kiềm chế tốt hơn làn sóng di cư, bao gồm cả việc nhận lại nhiều gia đình Trung Mỹ bị trục xuất.
Thỏa thuận với Mexico là một trong những bước đầu tiên mà chính quyền thực hiện nhằm mục đích làm chậm lại làn sóng người di cư gây sức ép lên biên giới Mỹ.
Nhưng cuối cùng, giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư của Mỹ sẽ liên quan đến việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, có thể bằng một giải pháp lập pháp mất nhiều thời gian. Nhưng hiện tại, theo các quan chức chính quyền, hai mục tiêu chính là đưa trẻ em di cư khỏi dịch vụ chăm sóc của CBP và mang các em về với các thành viên gia đình và người bảo trợ ở Mỹ.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)