Việc thiếu phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ đơn giản là vấn đề về mặt đại diện. Việc nâng cao tính đại diện sẽ không khắc phục được văn hóa và môi trường làm việc ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vốn đã có sự phân biệt giới từ đầu. Thay vào đó, mục đích thực sự của các nhà lãnh đạo phải làm ra một môi trường văn hóa công sở coi trọng, khen thưởng và hỗ trợ sự khác biệt của từng cá nhân. Trong môi trường làm việc coi trọng sự khác biệt thì mọi người đều có cơ hội thăng tiến, đó là lý do tại sao cả phụ nữ và nam giới đều có nhiều khả năng vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao trong các môi trường làm việc coi trọng sự bình đẳng.
Vậy tại sao các nhà lãnh đạo lại không tạo ra những môi trường làm việc như thế? Mặc dù hầu hết mọi người đều biết rằng phụ nữ có những trải nghiệm tại nơi làm việc khác với nam giới nhưng theo một nghiên cứu cho thấy phần lớn các nhà lãnh đạo tổ chức lại phủ nhận điều này. 72 phụ nữ và nam giới từ hai tổ chức khác nhau và các giám đốc điều hành cấp cao tham gia vào cuộc khảo sát đã giữ vững niềm tin rằng nơi làm việc là nơi tất cả nhân viên đều được đối xử theo cùng một cách. Hầu hết mọi người trong số những người được phỏng vấn đều nói họ tin rằng nam giới và phụ nữ có cơ hội, kinh nghiệm làm việc và con đường sự nghiệp giống nhau. Do đó, họ tin rằng phụ nữ không thành công vì sự lựa chọn hoặc năng lực cá nhân của họ chứ không phải vì môi trường làm việc bất bình đẳng giới.
Hầu hết các môi trường làm việc được xây dựng bởi nam giới và dành cho nam giới, do đó, đã tạo ra vô số thách thức mà phụ nữ phải vượt qua. Sự bất bình đẳng còn trở nên tồi tệ hơn khi các nhà lãnh đạo đưa ra các cam kết công khai về việc tăng số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và sau đó tiếp tục dựa vào các giải pháp không hiệu quả làm phương tiện để đạt được điều này.
Bước đầu tiên cần làm là các nhà lãnh đạo phải nhận thức được sự bất bình đẳng thể hiện như thế nào trong các nhóm, bộ phận làm việc và trong tổ chức của họ. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo cần tạo cơ hội cho nhân viên nói lên những trải nghiệm của họ về việc bị phân biệt đối xử hay cô lập. Họ cũng cần hiểu được những rào cản mà phụ nữ gặp phải trong công việc. Thực tế là phụ nữ phải làm việc ở mức tiêu chuẩn cao hơn nam giới để đạt được mức độ thành công như nhau. Ngoài ra, còn có xung đột vai trò mà nhiều phụ nữ gặp phải khi họ nỗ lực quản lý các vai trò không tương thích của một nhà lãnh đạo, một người vợ, người mẹ. Các nhà lãnh đạo cần biết rằng các thách thức này còn trở nên khó khăn hơn đối với phụ nữ ở những môi trường làm việc có sự phân biệt về chủng tộc, sắc tộc, vùng miền, tôn giáo hay tuổi tác.
Nhận thức được sự tồn tại bất bình đẳng giới vẫn là chưa đủ, mà nó còn đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Bất bình đẳng là một thực tế - đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo cần liên tục quản lý các hành vi trong môi trường làm việc có thể gây ra bất bình đẳng giới giống như cách họ quản lý an toàn, chi phí và năng suất. Các nhà lãnh đạo và nhân viên cần thực hiện bình đẳng giới thông qua các chuẩn mực và thói quen.
Chìa khóa để đạt được bình đẳng giới ở tất cả các cấp của một tổ chức là đảm bảo sự thành công của các nữ lãnh đạo trong giai đoạn đầu của sự nghiệp quản lý của họ. Bất chấp những bước tiến nhỏ đối với bình đẳng giới, phụ nữ da màu vẫn tiếp tục đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tham gia vào các vai trò lãnh đạo. Theo báo cáo của Công ty Tư vấn McKinsey, phụ nữ da màu chỉ chiếm 4% các vị trí lãnh đạo. Và theo một nghiên cứu của Harvard Busines Review vào năm 2019, không có phụ nữ da đen nào đứng đầu một công ty nằm trong danh sách Fortune 500.
Hơn nữa, bất bình đẳng giới đối với phụ nữ vẫn còn khó nắm bắt ở cấp quản lý cấp dưới và cấp trung. Theo dữ liệu gần đây của McKinsey, phụ nữ chiếm 48% tổng số nhân viên ở những vị trí tuyển dụng không đòi hỏi kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên họ chỉ chiếm 38% trong tổng số các nhà quản lý cấp một.
Trong 5 năm tới, sẽ có 1 triệu phụ nữ vẫn giữ các vai trò cấp thấp hoặc không tham gia vai trò lãnh đạo ở bất cứ cấp nào trong khi các đồng nghiệp nam của họ được thăng tiến trên con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn hơn.
Việc không thúc đẩy phụ nữ vào các vai trò quản lý cấp thấp và cấp trung sẽ gây ra việc thiếu phụ nữ đạt được các tiêu chuẩn cho các vai trò lãnh đạo cấp cao trong tương lai. Theo McKinsey đây chính là “nấc thang gãy” trên các nấc thang lãnh đạo đối với phụ nữ. Việc thu hẹp khoảng cách này không chỉ đơn giản là chỉ ra các thành kiến vô thức, xác định những định kiến tiềm ẩn gây nên bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc.
Sự thành công của các nữ lãnh đạo mới phụ thuộc rất nhiều vào các nhà quản lý cấp trung và cấp cao (chủ yếu vẫn là nam giới) - những người chịu trách nhiệm chính về sự thăng tiến của họ. Do đó, các nhà lãnh đạo cấp trung và cấp cao có vai trò tích cực trong việc đảm bảo rằng phụ nữ có cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp như các đồng nghiệp nam của họ.
Phụ nữ thường nhận được ít tín nhiệm hơn cho cùng một vị trí công việc so với nam giới, và họ dễ bị chỉ trích vì những thất bại. Họ cũng thường phải cung cấp nhiều bằng chứng hơn về năng lực của bản thân và thường bị đặt các câu hỏi về phán đoán và quyết định của họ. Những rào cản này thậm chí còn phổ biến hơn đối với các phụ nữ da màu. Ví dụ, phụ nữ da màu có nhiều khả năng bị nhầm lẫn với những người có vị trí công việc thấp hơn những người da trắng.
Cần đảm bảo rằng phụ nữ được đánh giá công bằng so với các đồng nghiệp nam của họ thông qua quá trình tuyển dụng và thăng chức thông qua các tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch và không thiên vị. Hơn nữa, việc theo dõi dữ liệu nhân sự rất quan trọng bằng một bộ đầy đủ các chỉ số bao gồm cả giới tính và chủng tộc sẽ làm nổi bật sự chênh lệch tiềm ẩn và giúp đảm bảo rằng phụ nữ được đối xử công bằng hơn.
Phụ nữ có nhiều khả năng được thăng tiến hơn nếu họ được huấn luyện tích cực về sự thăng tiến trong sự nghiệp. Các nhà lãnh đạo cấp cao phải đảm bảo rằng các nữ lãnh đạo mới được tạo cơ hội như các đồng nghiệp nam để thể hiện khả năng của họ, mở rộng vai trò của họ, kết nối họ với các nhà lãnh đạo cấp cao và thúc đẩy tầm nhìn của họ ở cấp điều hành.
Thực tế là, Việt Nam đã cao hơn mức trung bình toàn cầu về phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo, với tỉ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) - sau Philippines và Nam Phi - ngang bằng với Brazil và Ấn Độ, và xếp thứ 2 ở Châu Á Thái Bình Dương sau Philippines 48%.
Một kết quả đáng khích lệ khác là về các vai trò lãnh đạo mà phụ nữ đang đảm nhiệm. Nghiên cứu của Grant Thornton International cho thấy số lượng phụ nữ đảm nhận các vai trò lãnh đạo cấp cao cao hơn so với năm ngoái, với tỷ lệ nữ Giám đốc điều hành (CEO) tăng 6 điểm phần trăm lên 26%, nữ Giám đốc tài chính (CFO) cũng tăng 6 điểm phần trăm lên 36% và nữ Giám đốc vận hành (COO) tăng 4 điểm phần trăm lên 22%. Tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí cấp cao như quản trị nhân sự giảm nhẹ ở mức 38% (giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2020) và có xu hướng đi xuống kể từ năm 2019. Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là Giám đốc tài chính với tỉ lệ 60% (tăng từ 32% của năm 2020) đưa Việt Nam đứng số 1 tại Châu Á Thái Bình Dương. Vị trí Giám đốc Nhân sự đứng thứ hai với 59%, đây cũng là một vị trí rất phổ biến tại các khu vực còn lại của Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương).
Thu Anh biên dịch