Hình ảnh quen thuộc do ô nhiễm rác thải ở các quốc gia thuộc nhóm nước nghèo trên thế giới. Ảnh: dw.com
Năm 1900, đã có khoảng 220 triệu người sống ở các thành phố, phát sinh ra ít nhất 300.000 tấn chất thải rắn, bao gồm rác thực phẩm, bao bì và các vật dụng gia đình khác. Một trăm năm sau, hơn 2,9 tỷ người sống ở các thành phố và tạo ra hơn 3 triệu tấn rác thải mỗi ngày.
Mối đe doạ do quản lý chất thải kém đặc biệt thể hiện rõ ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi tỷ lệ thu gom rác thường dưới 50%. Các đống rác dọc bờ sông, khói dày đặc từ việc đốt rác, chất thải độc hại, hơi cay, ruồi muỗi và các loài gặm nhấm tràn lan là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc tăng dân số tự nhiên, việc di cư dân số về các đô thị, đô thị hóa và phát triển kinh tế cũng làm cho lượng chất thải đang ngày càng trở nên quá tải đối với các hệ thống quản lý. Trong báo cáo “Đánh giá toàn cầu về quản lý chất thải rắn” năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí xử lý rác thải sẽ là gánh nặng đối với các quốc gia nghèo khó, đặc biệt là ở châu Phi.
Ở nhiều nước đang phát triển, quản lý chất thải rắn có thể tiêu tốn 20-50% ngân sách. Các quốc gia đang trên đà chuyển đổi từ tình trạng thu nhập thấp đến trung bình cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, không có cấu trúc thuế hoặc phí nào để duy trì các chương trình chất thải rắn và người dân thường sử dụng các bãi đất trống tự do để xả rác. Các chuyên gia WB cũng cảnh báo, lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng lên 70% vào năm 2025, tăng từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025. Chất thải độc hại từ các thành phố đã đủ để lấp đầy một dòng xe chở hàng dài 5.000 cây số mỗi ngày. Chi phí toàn cầu cho việc đối phó với tất cả những thùng rác đó cũng tăng lên: từ 205 tỷ USD mỗi năm trong năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng chi phí mạnh nhất ở các nước đang phát triển.
Rác thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: CNN
Rác thải nhựa là mối nguy lớn cho môi trường biển. Ảnh: noaa.gov
Tháng 9/2015, Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) công bố báo cáo nêu bật “tình trạng khẩn cấp toàn cầu” ảnh hưởng đến hàng chục triệu người ở các nước đang phát triển khi thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh. Báo cáo chỉ ra các vấn đề liên quan đến rác thải ở các nước đang phát triển là do những vấn đề chưa từng có trước đây, như: sự tích tụ không được kiểm soát của các thiết bị điện tử, điện thoại di động, rác thải thực phẩm và rác thải y tế. Báo cáo cũng cho thấy, khoảng 40% lượng chất thải trên thế giới đã được xử lý triệt để, phục vụ cho khoảng 3,5-4 tỷ người, đồng thời cũng kêu gọi một liên minh toàn cầu cùng phối hợp và có những hành động tích cực để giải quyết vấn đề rác thải trên toàn thế giới.
Rác thải gây ra rất nhiều vấn đề, như: mùi khó chịu, vi trùng gây bệnh, điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh. Rác thải không được thu gom, tồn đọng, lâu ngày sẽ sinh ra các tác nhân tác động đến sức khoẻ con người. Nghiêm trọng hơn nó thải vào nước, đất và không khí những hóa chất rất độc hại dù được xử lý bằng cách chôn lấp hay đốt, gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các loại chất thải ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. WHO và WB ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, đồng thời có khoảng 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan đến rác thải. 23% số ca tử vong ở các nước đang phát triển có nguyên nhân từ các yếu tố môi trường, bao gồm ô nhiễm và các yếu tố rủi ro môi trường liên quan đến hơn 80% các bệnh thường gặp. Rác thải nhựa trên các đại dương hiện nay đã ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh vật biển: thiếu dưỡng khí, phá hủy hệ sinh thái, tàn phá môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi sử dụng các nguồn tài nguyên từ biển. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Greenpeace, thì đại dương trên khắp thế giới cũng đã trở thành một bãi rác khổng lồ với gần 6,5 triệu tấn rác thải chứa trong nó.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng 1/2017 tại Thụy Sĩ đã đưa ra nhận định, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề của trái đất sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá. Khoảng 40% tổng lượng rác thải của thế giới đổ tại các “địa điểm mở” không được kiểm soát như bờ sông hoặc các dải bờ biển.
Chất thải nhựa do có khối lượng nhẹ nên chúng nổi trên mặt nước biển và bị phân tán trên toàn cầu, từ châu lục này đến châu lục khác theo sóng biển. Nó tồn tại dai dẳng trong môi trường và hầu như không chịu bất cứ thay đổi sinh học nào do tính chất khó phân hủy. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, có ít nhất 5,250 tỷ mảnh nhựa với trọng lượng khoảng 268,940 tấn đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới. Điều này có nghĩa số lượng rác thải hiện nay gấp 48 lần trữ lượng nhựa của con người từng có trong lịch sử thế giới. Hay nói cách khác, nếu chúng ta lấy tất cả nhựa ra khỏi đại dương và chia đều thì mỗi người sẽ nhận ít nhất 48 mảnh nhựa.
Hiện khoảng 20% sản phẩm nhựa trên thế giới có thể được tái sử dụng và khoảng 50% có thể được tái chế với chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi “căn bản” về thiết kế và sản xuất, thì 30% sản phẩm nhựa còn lại sẽ không bao giờ được tái chế, và sẽ bị chôn vào đất, đổ ra biển hoặc tiêu hủy.
Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hàng năm phải chi trả tới 1,3 tỷ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Hơn nữa, cũng theo báo cáo của APEC, hàng năm thế giới phải tiêu tốn số tiền từ 80 tỷ USD đến 120 tỷ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa.
Các chuyên gia của WB cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đưa ra các kế hoạch xử lý và tái chế rác thải nhằm hạn chế các khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tăng cường xử lý chất thải rắn, đặc biệt là ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp.
Người dân gom nhặt các vật dụng có thể tái sử dựng được trên con sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: theguardian.com
Hình ảnh rác tràn ngập trên đường phố tại Naples, Ý. Ảnh: EPA
Ngư dân Indonesia trên một bãi biển bị ô nhiễm ở Cilincing, Bắc Jakarta. Ảnh: Reuters
Hiện nay, nhiều thành phố đã và đang tìm kiếm, áp dụng các chính sách hiệu quả để giúp giảm thiểu lãng phí và tiêu dùng. Rác thải có lúc thậm chí còn được coi là một nguồn nhiên liệu đầy tiềm năng khi những công nghệ mới có thể chế biến chúng thành phân bón, hóa chất hay năng lượng đang được phát triển. Một số thành phố đã đặt ra các ví dụ tích cực trong việc giảm thiểu lượng chất thải. San Francisco (Mỹ) có một mục tiêu đầy tham vọng là “không thải” vào năm 2020 với việc tái chế tích cực. Khoảng 55% chất thải được tái chế hoặc tái sử dụng hiện nay tại thành phố này.
Indonesia là một trong những quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải trầm trọng. Năm ngoái, nước này thải ra đến 65 triệu tấn rác. Hiện nay, Indonesia đang đặt mục tiêu giảm 22% lượng rác thải mỗi năm. Giải pháp là thành lập thêm các ngân hàng rác thải, nơi người dân được khuyến khích mang rác thải đã phân loại đến để đổi lấy những khoản tiền trang trải cho cuộc sống. Bên cạnh đó, Indonesia tích cực tham gia các diễn đàn toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại do rác thải nhựa gây ra đối với các đại dương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn việc người dân đổ các loại rác thải nhựa xuống biển. Hàng năm, Ấn Độ phát sinh ra gần 6,4 triệu tấn rác thải nguy hại, trong đó 3,09 triệu tấn có thể tái chế được, 0,41 triệu tấn có thể thiêu hủy và 2,73 triệu tấn sẽ phải đổ ra bãi chứa rác thải. Việc sử dụng các nhiên liệu thay thế hoặc các nhiên liệu tái chế từ rác thải (Refuse derived fuels - RDF) là một việc làm thông thường trong ngành công nghiệp xi măng Ấn Độ. Nhà máy sản xuất RDF đầu tiên đã được xây dựng trong năm 2006 bởi Grasim Industries. Kể từ đó đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép cho 22 nhà máy xi măng để xây dựng các nhà máy sản xuất RDF tương tự. Hầu hết rác thải có các đặc tính phù hợp cho việc tận dụng làm nguyên liệu nguồn, hoặc cho việc khôi phục năng lượng, hoặc các nguyên liệu như kim loại hoặc sử dụng chúng trong ngành xây dựng, chế tạo các sản phẩm cấp thấp hoặc cho khôi phục lại chính sản phẩm đó, mà sau khi xử lý có thể được sử dụng như là một nguyên liệu nguồn.
Úc là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới. Nhiều trung tâm đô thị lớn ở mước này đã được mở rộng để phù hợp với tiêu chuẩn sống cao hơn của người dân. Do đó, hệ thống xử lý rác thải cũng được yêu cầu cao hơn. Những biện pháp xử lý rác thải bền vững đã được tìm kiếm và áp dụng. Đối với chất thải rắn như rác sinh hoạt, sản phẩm công nghiệp được xử lý tại các bãi chôn lấp. Đối với nước thải từ các hộ gia đình như nước rửa chén, chấy tẩy rửa xe đều được phân loại như chất thải lỏng và xử lý bằng hệ thống tái chế nước thải sinh hoạt.
Các công nhân phân loại chất thải trong nhà máy tái chế rác thải tại Úc. Ảnh: news.com.au
Các siêu thị tại Pháp sẽ bị cấm vứt hoặc tiêu hủy thức ăn không bán được và thay vào đó họ phải tặng nó cho tổ chức từ thiện hoặc làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: treehugger.com
Ngoài ra, nhiều chính sách pháp luật cũng đã được đưa ra, như việc một số quốc gia đã áp dụng biện pháp đánh thuế để giảm thiểu rác thải biển như Nam Phi, Israel áp thuế đối với túi nhựa; Bỉ đánh thuế đối với màng nhựa và dụng cụ ăn uống dùng một lần; Đan Mạch đánh thuế nhựa đối với túi và vật liệu đóng gói cũng như thuế đổ rác ở bãi rác hoặc đốt rác. Bên cạnh một số quy định về kiểm soát hàng hóa trong sản xuất và sử dụng, một số nước có chính sách theo hướng tiếp cận tổng thể để giải quyết vấn đề rác thải biển như Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải biển - Luật Khuyến khích xử lý rác thải biển, Hàn Quốc ban hành Luật Quản lý môi trường biển, trong đó yêu cầu xây dựng Kế hoạch tổng thể quản lý rác thải biển. Một số giải pháp khác cũng đã được thực hiện tại một số quốc gia như thu mua rác thải nhựa từ ngư dân, hay cung cấp túi rác và lắp đặt nơi đổ rác cho tàu thuyền…
Trong khi đó, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn cấm rác thải thực phẩm siêu thị và yêu cầu các nhà bán lẻ quy mô lớn hiến tặng số lượng thực phẩm còn sót lại. Luật này được thông qua vào năm ngoái, đánh dấu pháp luật đầu tiên thuộc loại hình này trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm chất thải thực phẩm. Các nước khác như Đan Mạch, Đức, Anh và Hoa Kỳ cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua không có chất thải thực phẩm, thực hiện các chiến lược ngăn ngừa chất thải và nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng về môi trường khi xử lý phế liệu. Bằng cách điều chỉnh nhận thức về thực phẩm còn sót lại và phải làm gì với nó, những thay đổi sẽ khiến con người có thể sản xuất lượng khí thải carbon thấp hơn từ chất thải hữu cơ.
Để hỗ trợ các chiến lược ngăn ngừa chất thải thực phẩm, Pháp và các nước châu Âu khác đã giới thiệu các cửa hàng thực phẩm “không lãng phí”, nơi mà thực phẩm được lưu trữ với số lượng lớn và khuyến khích khách hàng chỉ mua số lượng mà họ cần bằng cách sử dụng các thùng chứa từ nhà.
Hồng Vy biên dịch