Chủ quyền kỹ thuật số là quyền của một chủ thể (có thể là nhà nước, tổ chức, cá nhân) được quản lý và quyền kiểm soát và bảo đảm an toàn cho dữ liệu nhạy cảm, cho phép nhà nước, tổ chức và cá nhân được hưởng quyền tự chủ lớn hơn đối với tài sản và dữ liệu kỹ thuật số của họ. Nói một cách đơn giản, đó là quyền kiểm soát quyền truy cập, thông tin, liên lạc, mạng và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kỹ thuật số của các tác nhân quốc tế.
Mối lo ngại về an ninh
Trong những năm gần đây, ý tưởng này đã thu hút được sự chú ý vì một số sự cố về an ninh dữ liệu, trong đó có vụ rò rỉ thông tin của Wikileaks. Vào năm 2010, trang WikiLeaks đã gây chấn động thế giới khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật quân sự Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq. Đây được coi là vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm.
Sau vụ việc đó, mối quan tâm này đã mở rộng thành mối quan ngại đối với các hoạt động của nền kinh tế số do hành vi không được kiểm soát của các đại gia internet hàng đầu, đặc biệt là bộ tứ GAFA (bao gồm Google, Apple, Facebook và Amazon). Quyền lực ngày càng mở rộng của GAFA đã buộc EU phải xem xét lại hệ sinh thái kỹ thuật số của họ để ngăn chặn độc quyền kinh doanh và mới đây nhất, EU đã thông qua Luật Thuế kỹ thuật số nhằm áp thuế công nghệ nhằm vào bộ tứ này.
Ảnh hưởng đối với luật pháp quốc tế
Xu hướng ngày càng tăng của chủ quyền kỹ thuật số một mặt làm suy yếu các chủ thể, đặc biệt là chủ thể phi nhà nước và tính trung lập của Internet khi đặt ra các câu hỏi về quyền tự do trong không gian mạng. Mặt khác, xu hướng này cũng làm xói mòn luật pháp quốc tế có thể chấp nhận được về an ninh mạng. Đó là bởi vì với lý do bảo vệ “chủ quyền kỹ thuật số”, các quốc gia sẽ đưa ra những quy định để điều chỉnh không gian mạng trên cơ sở lãnh thổ. Điều này khiến các bên khó đi đến thỏa thuận để xây dựng luật pháp quốc tế hiệu quả và ràng buộc về không gian mạng; đồng thời cản trở khả năng xét xử các trường hợp vi phạm mạng đối với các chủ thể nhà nước vì chủ quyền kỹ thuật số được khắc họa bằng các nguyên tắc không can thiệp.
Câu hỏi liệu luật pháp quốc tế có thể áp dụng cho hành vi của các quốc gia trên không gian mạng hay không? Câu trả lời là không hiệu quả. Thực tế này bắt nguồn từ những thách thức trong quá khứ và hiện tại về ba khía cạnh của luật pháp quốc tế: quyền tài phán, trọng tài, và các công cụ pháp lý - luật học. Đặc biệt, trong tương lai, xu hướng chủ quyền kỹ thuật số ngày càng được thúc đẩy có khả năng khiến luật pháp quốc tế về không gian mạng càng khó áp đặt một cách hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những lời kêu gọi rộng rãi hơn để xây dựng các chuẩn mực internet toàn cầu dựa trên luật lệ một cách toàn diện trong tương lai.