Bù đắp chỗ trống
Tình trạng thiếu hụt nhân lực ở đất nước Mặt trời mọc thể hiện rõ trong các lĩnh vực xây dựng và bán lẻ. Ở các lĩnh vực như ăn uống hay chăm sóc người già, việc không có đủ người làm là điều có thể nhận thấy rõ. Nguyên nhân được lý giải là những công việc này mang tính nhàm chán, lặp lại và vô cùng cực nhọc, nên nhiều người không chọn.
Đến năm 2025, người ta dự đoán Nhật Bản sẽ thiếu 380.000 điều dưỡng viên chăm sóc người già. Ngoài ra, đất nước mặt trời mọc cũng đang cần lượng lớn công nhân xây dựng để chuẩn bị cho Olympics 2020. Bù đắp cho nguồn thiếu hụt đó, Nhật Bản chú trọng phát triển những mẫu robot thiết thực. Thực tế cho thấy, không những đáp ứng được yêu cầu của công việc, việc sử dụng robot còn mang lại những lợi ích đáng kể. Chi phí hàng tháng để duy trì hoạt động của một người máy chỉ tốn khoảng 500 USD, chưa kể đến việc không phải đóng các khoản phúc lợi xã hội và bảo hiểm.
Không thể thay thế con người
Năm 2015, Nhật Bản là quốc gia tiên phong khởi xướng “cuộc cách mạng robot”. Trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, người ta đều có thể bắt gặp bóng dáng người máy. Đầu tháng 9 vừa qua, trang Ashahi đăng tải thông tin khiến nhiều sinh viên ngành ngân hàng lo lắng. Theo đó, trong mùa tuyển dụng năm 2019, các ngân hàng hàng đầu Nhật Bản tuyên bố sẽ cắt giảm 900 nhân lực so với mùa tuyển dụng năm trước. Đó là bởi các vị trí trên đã được thay bằng hệ thống tự động và sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Điều này làm dấy lên lo ngại về sự “thay thế nhân lực”. Tuy nhiên, theo Giám đốc tiếp thị toàn cầu của SoftBank Robotics, ông Kan Kiyota, “thay thế” là một từ được cường điệu, bởi robot ra đời chỉ để hỗ trợ con người sống tốt hơn. Nhật Bản đang phải đối phó với tình trạng già hóa dân số, có đến 12,2% người trên 65 tuổi vẫn phải lao động để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Người Nhật không lo bị robot cạnh tranh công việc mà chỉ e ngại trí tuệ nhân tạo hoặc người máy sẽ chiếm những vị trí việc làm với điều kiện tốt, mức lương cao và trong các khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, để hạn chế lo lắng đó, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã có những tính toán kỹ lưỡng. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức chuyên nghiên cứu và dự báo xu hướng nghề nghiệp tiến hành điều tra nhu cầu sử dụng tại các doanh nghiệp. Những năm gần đây, nội dung về dự định ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào khảo sát. Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề sẽ có căn cứ làm định hướng đào tạo, phù hợp với thực tế ứng dụng khoa học - công nghệ của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nhân lực trong các ngành nghề dễ bị thay thế nhất là ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán… Bởi vậy, người lao động cần trang bị kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc chung với hệ thống máy móc tự động và tìm kiếm các cơ hội tốt hơn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng người máy hay trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những cơ hội việc làm cho chính con người như bảo trì, sửa chữa, hậu kiểm… Nhìn ở khía cạnh tích cực, như lời ông Kiyota: “Công nghệ tiến bộ có thể khiến một số việc làm mất đi nhưng lại tạo ra nhiều điều mới. Những phát minh công nghệ sẽ song hành với sự phát triển khả năng lao động của con người”.
Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân