|
Hình ảnh tỷ phú Elon Musk và biểu tượng mạng xã hội Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đài Sputnik đưa tin những tháng gần đây, nhiều tập đoàn công nghệ, tài chính và đa phương tiện lớn của Mỹ đã tuyên bố sa thải số lượng nhân viên đáng kể. Nổi bật trong số đó là Meta, Twitter, Netflix, HP...
Theo ấn phẩm Crunch Base, số lượng nhân viên bị cắt giảm đã lên tới 88.000 người kể từ đầu năm nay. Meta, công ty mẹ của Facebook, gần đây đã thông báo kế hoạch cắt giảm hơn 11.000 việc làm. Tổng số nhân sự bị sa thải tại “gã khổng lồ” Amazon vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng để so sánh, 10.000 người bằng khoảng 3% nhân viên chính thức công ty của Amazon và chưa đầy 1% người lao động của Amazon trên toàn cầu, gồm khoảng 1,5 triệu công nhân chủ yếu làm công ăn lương theo giờ.
Hồi cuối tháng 10, tỷ phú Elon Musk đã hoàn tất việc mua lại công ty Twitter với giá 44 tỷ USD. Sau khi tiếp quản, ông đã thực hiện hàng loạt thay đổi, trong cả việc chấm dứt hợp đồng với các giám đốc điều hành của Twitter, những người chịu trách nhiệm về quyền riêng tư, an ninh mạng và kiểm duyệt của nền tảng, cũng như khoảng 2/3 nhân viên của Twitter.
Động thái trên đã khởi đầu cho một làn sóng sa thải tương tự trong ngành công nghệ và các ngành khác. Một số người đã khen ngợi cách tiếp cận táo bạo của ông chủ mới Twitter chủ sở hữu mới của Twitter, trong khi những người khác lại bày tỏ lo ngại về động thái này, thậm chí còn dự đoán rằng nền tảng này sắp sụp đổ.
Meta và Twitter có rủi ro cao
Bà Nita Chhinzer, Phó Giáo sư về Quản lý Nguồn nhân lực và Tư vấn Kinh doanh tại Đại học Guelph ở Ontario, nói với Sputnik rằng tình hình sa thải hàng loạt đó sẽ gây ra rủi ro lớn.
"Tôi cho rằng một nửa số công ty này sẽ không tồn tại được sau những đợt sa thải tương đối lớn này. Đây là những tín hiệu cho thị trường biết rằng công ty đó không có những kỹ năng mà họ cần và họ muốn phát triển ở một tốc độ khác”, bà Chhinzer nhận định.
Theo chuyên gia này, những “gã khổng lồ” như Twitter và Meta - đều được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có cá tính táo bạo và đã thực hiện các biện pháp thay đổi mang tính cách mạng - đang gặp rủi ro cao.
"Việc chuyển từ Facebook sang Meta thực sự là một mô hình kinh doanh khác. Đó là một nhóm đối tượng khác. Facebook và Metaverse rất khác. Nhưng Mark Zuckerberg vẫn muốn gộp chung vào nhau. Ở những nơi khác, bạn có thể đóng cửa một công ty và sau đó mở một công ty mới. Nhưng anh ấy muốn xoay trục", nữ chuyên gia nói về tình hình ở Meta.
Và với Twitter, theo bà, ông Elon Musk đang thay đổi những gì mà mạng xã hội này cơ bản đang hướng tới với tốc độ quá nhanh.
Xuân Chi/Báo Tin tức