Singapore đang nỗ lực thực hiện chiến lược “Quốc gia thông minh” đầu tiên trên thế giới. Ảnh: YOURSINGAPORE
Từ cuối năm 2014, Singapore bắt đầu chiến dịch xây dựng một “quốc gia thông minh” đầu tiên trên thế giới bằng cách khai thác công nghệ hiện đại cho mục đích cải thiện cuộc sống của người dân, tạo thêm nhiều cơ hội và xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn. Vì thế, các ứng dụng khoa học công nghệ đã được đưa vào cuộc sống từ chăm sóc sức khỏe, quản lý đô thị, giao thông cho tới môi trường.
Hiện Singapore đang thử nghiệm một trong những chương trình thu thập dữ liệu lớn nhất thế giới. Phần mềm này sử dụng vô số cảm biến tại các tòa nhà và đường phố để thu thập dữ liệu về giao thông, người đi bộ, thời tiết hay thậm chí cả việc vứt rác bừa bãi. Luồng dữ liệu tích hợp của phần mềm là bản đồ số 3D của thành phố, nó được ví như bản đồ Google phiên bản cao cấp. Bản đồ này sử dụng dữ liệu thời gian thực để mô tả tình hình hoạt động của thành phố. Chỉ cần một cú “nhấn chuột” là có thể thấy rõ các tòa nhà, bức tường và những khoảng không gian công cộng. Chính phủ có thể sử dụng dữ liệu này để xây dựng các công trình mới hoặc lên lại lịch trình của tuyến đường xe buýt. Bản đồ này chi tiết tới mức có thể biết được chính xác kích thước của một tòa nhà, vị trí của cửa sổ và vật liệu sử dụng để xây dựng. Điều này sẽ giúp ích cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả và phản ứng trước những thảm họa xảy ra.
Ví dụ, khi một vụ nổ hay hỏa hoạn xảy ra ở một trung tâm mua sắm đông đúc, hệ thống có thể dùng điện thoại thông minh của những người có mặt để xác nhận đám đông ở đâu nhanh hơn so với việc dùng camera. Sau đó, một thông báo hoặc tin nhắn sẽ được gửi trực tiếp tới điện thoại của từng người để hướng dẫn họ tới cửa thoát hiểm an toàn nhất.
Ngoài ra, Singapore còn trang bị các thiết bị thông minh trong nhà, từ điều hòa không khí, hệ thống xử lý nước thải hay hệ thống ánh sáng, tất cả đều có sẵn.
Từ những năm 1960, Singapore đã chuyển đổi từ chỗ không có hoặc rất ít quan tâm đến quy hoạch giao thông. Cho đến những năm 1990, Singapore đã trở thành một đô thị nhiệt đới lý tưởng tầm cỡ quốc tế về hạ tầng và tiện nghi xã hội.
Hiện nay, Singapore đã phát triển rất nhiều dự án giao thông thông minh như các ứng dụng giúp định hướng tuyến đường xe buýt và xe lửa hay việc phát triển các khu đa chức năng nhằm giảm thiểu nhu cầu đi lại và cung cấp việc lựa chọn giao thông công cộng chất lượng cao.
Mới đây, Cơ quan Vận tải và Đất đai Singapore đã bắt đầu phát triển hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2020. Công nghệ này giúp kiểm soát tắc nghẽn, tạo điều kiện cho người sử dụng xe và kiểm soát phí sử dụng đường bộ. Mức phí này cũng sẽ thay đổi linh động trong suốt ngày, tùy thuộc vào điều kiện đường sá, chẳng hạn như mật độ tham gia giao thông. Với hệ thống mới này khiến mỗi xe sẽ tự động trở thành một bộ cảm biến giúp Chính phủ có cái nhìn tổng thể, chính xác về tình hình giao thông và can thiệp nếu cần thiết. Thậm chí, dữ liệu này còn có thể được truyền ngược lại cho lái xe, giúp họ lập kế hoạch cho cuộc hành trình, tránh các con đường tắc nghẽn.
Thêm vào đó, Singapore cũng đã thử nghiệm một hệ thống sử dụng điện thoại thông minh của người dân để tính toán độ gập ghềnh khi họ tham gia những chuyến xe buýt, từ đó có thể chỉ ra các yêu cầu bảo trì đường bộ cần thiết.
Bên cạnh đó, Singapore đã áp dụng mô hình kiến trúc xanh nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đô thị thông minh. Đây là giải pháp thiết thực cho các vấn đề môi trường và góp phần hạn chế tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Trong điều kiện vẫn phải nhập khẩu năng lượng, Singapore đã tìm cách tận dụng các nguồn tài nguyên có hạn để phát triển theo hướng năng lượng hiệu quả. Chính vì vậy, cây xanh cũng là yếu tố trọng điểm trong các dự án xây dựng của Singapore gần đây.
Ng San Son, Giám đốc Công ty Kiến trúc DP, Singapore nhận định: “Một thành phố với trình độ công nghệ thông tin phát triển chưa thể gọi là thông minh nếu thiếu chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả”. Ông cho rằng, một khi kết hợp với kiến trúc xanh, môi trường đô thị thông minh mới thực sự trở nên lý tưởng: Cuộc sống người dân đô thị được cải thiện, tăng năng suất lao động và giảm tiêu thụ năng lượng. Đó mới là một đô thị thông minh trọn vẹn.
Với trên 80% dân số sống ở các khu chung cư hay còn gọi là nhà HDB, Singapore đang có kế hoạch đưa các chung cư hiện có đáp ứng các tiêu chuẩn xanh như ứng dụng năng lượng mặt trời, cải tiến hệ thống xử lý rác thải, hệ thống thu hồi nước mưa, xây dựng các vườn rau cộng đồng. Với mục tiêu mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân.
Ông Heru Santoso Soedarsono, Phó Giám đốc, Ban Phát triển nhà ở Singapore, cho biết: “Chúng tôi triển khai sáng kiến xanh này tới một số chung cư cũ và tiếp tục kế hoạch triển khai tiếp theo cho các khu chung cư khác cho tới năm 2030-2040. Với các khu chung cư mới, chúng ta có thể đưa vào ngay từ khâu thiết kế, xây dựng nên chúng tôi có bước triển khai khác”.
Với tất cả những gì đã và đang triển khai, Singapore cho thấy nỗ lực và quyết tâm của mình trong việc hướng tới phát triển trở thành một “quốc gia thông minh” và trở thành nơi đáng sống cho tất cả mọi người.
Thu Anh (lược dịch theo Wall Street Journal, Aseantoday, CNBC)