Hoa Kỳ áp thuế cao đối với thép, nhôm nhập khẩu (Ảnh: The Business Times)
Vậy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là gì? Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một thuật ngữ kinh tế học, chỉ việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của quốc gia bằng cách nâng cao tiêu chuẩn như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ… hoặc áp đặt thuế suất nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng; được sử dụng trong quan hệ thương mại giữa các nước.
Đối với thuế quan hay thuế nhập khẩu từ các nước khác, chính phủ các nước sẽ áp đặt mức thuế cao để hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài nhằm bảo vệ các ngành và các công ty trong nước. Thuế quan có thể được cụ thể trong đó có một mức thuế suất cố định hoặc mức lệ phí cho mỗi đơn vị sản phẩm hoặc hàng hóa được đưa vào một quốc gia. Ngoài ra còn có thuế quan theo đơn giá hàng được đặt theo tỷ lệ giá trị của sản phẩm được nhập khẩu.
Hạn ngạch là hạn chế trực tiếp về số lượng hàng hóa, sản phẩm nhất định có thể được phép nhập khẩu vào một quốc gia. Ngoài ra còn biện pháp Hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VER) hoạt động như hạn ngạch thương mại áp đặt bởi một quốc gia xuất khẩu. VER có thể được thể hiện dưới hình thức áp lực chính trị từ một quốc gia lên một quốc gia khác để ngăn chặn việc xuất khẩu hàng hóa.
Ngoài thuế quan và hạn ngạch, còn có một số rào cản thương mại khác mà chính phủ các quốc gia có thể sử dụng để hạn chế nhập khẩu hoặc kích thích xuất khẩu. Bất chấp thành công tương đối của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc khuyến khích các cuộc đàm phán đa phương nhằm giảm hàng rào thuế quan và phân xử các tranh chấp thương mại thì rào cản vẫn còn tồn tại.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh “Mua hàng Mỹ - Thuê người Mỹ” (Ảnh: Todayonline)
Chính phủ ủng hộ các công ty trong nước, đây là một hình thức mà các quốc gia dùng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Chính phủ các quốc gia này sử dụng chính sách mua sắm công, trong đó ủng hộ các công ty trong nước. Ví dụ, chính quyền địa phương hoặc quốc gia có thể mua vật tư thiết bị quân sự hoặc y tế từ các công ty địa phương. Trong khi nhiều thành viên của WTO đã đăng ký Hiệp định về Mua sắm Chính phủ (GPA) nhưng đa số các nước vẫn chưa đăng ký các sáng kiến để việc mua sắm quốc gia được mở rộng hơn, tạo cơ hội cạnh tranh cho các quốc gia khác.
Chính phủ cũng có thể trợ cấp cho các công ty trong nước, những công ty này sau đó sẽ đưa ra nhiều chương trình giảm giá. Khoản hỗ trợ tài chính này cũng có thể dưới hình thức hỗ trợ xuất khẩu, tạo động lực cho các doanh nghiệp. Các khoản trợ cấp như vậy còn có thể dưới hình thức viện trợ cho các dự án khởi nghiệp, những dự án lớn ví dụ như EU viện trợ cho sự phát triển của hãng Airbus, Hoa Kỳ hỗ trợ cho hãng Boeing.
Chính phủ các quốc gia còn có thể đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cao, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nước ngoài.
Chính sách chống bán phá giá được ban hành bởi một quốc gia nhằm ngăn chặn việc bán hàng hóa ở thị trường nước ngoài với mức giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất nhằm giành thị phần đáng kể tại quốc gia đó.
Một vấn đề khác liên quan đến quá trình xuất nhập khẩu có thể gây ra hạn chế giao dịch đối với các công ty nước ngoài. Ví dụ, nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp và không liên quan đến các giao dịch quốc tế sẽ được yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc các nước cố tình hạ tỷ giá để kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu cũng là một trong những biện pháp bảo hộ mậu dịch nhằm tạo rào cản thương mại đối với các nước khác.
Bảo hộ mậu dịch ảnh hưởng đến việc xuất khẩu (Ảnh: Morgan Stanley)
Mặc dù, chủ nghĩa bảo hộ không phải là nguyên nhân chính gây suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng điều này chắc chắn là một yếu tố đáng lo ngại và có thể cản trở tăng trưởng chung. Điều này còn được phản ánh trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ như chính sách của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ và các tiểu bang ưu tiên mua hàng hóa sản xuất trong nước.
Vào tháng 9/2016, trong cuộc họp tại Hàng Châu, Trung Quốc, G20 đã đưa ra lời kêu gọi tăng trưởng kinh tế, bao gồm thúc đẩy thương mại thế giới, chống bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ ngày càng sinh sôi nảy nở và nhiều trong số đó không thực sự rõ ràng bởi chúng có ảnh hưởng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Điển hình như Trung Quốc đưa ra lý do chính trị để hạn chế truy cập Internet, đây được gọi là bảo hộ kỹ thuật số.
Mặc dù bảo hộ mậu dịch là ý định của một số nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách nhưng nó có những ảnh hưởng nhất định và lâu dài đối với nền kinh tế vĩ mô của quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Những hiệu ứng này có thể kể đến sự lựa chọn hạn chế của người tiêu dùng và họ phải trả nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Một tác động chính của bảo hộ mậu dịch là người tiêu dùng sẽ có lựa chọn hạn chế về số lượng, chất lượng và loại sản phẩm hơn bởi hạn ngạch áp đặt cho hàng nhập khẩu. Một vấn đề khác mà người tiêu dùng sẽ phải đối mặt là họ phải trả nhiều tiền hơn cho số lượng hàng hóa hạn chế, điều này khiến lạm phát có thể tăng đáng kể. Nhìn chung, cạnh tranh toàn cầu là một yếu tố quan trọng trong việc giữ giá của rất nhiều hàng hóa và cung cấp cho người tiêu dùng khả năng chi tiêu.
Các ngành công nghiệp nhỏ có thể không bao giờ phát triển do chính sách bảo hộ mậu dịch của chính phủ. Những câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Khi nào thì một ngành công nghiệp mới hình thành không còn cần sự bảo trợ từ chính phủ quốc gia đó nữa? Khi nào ngành công nghiệp đó “trưởng thành”, có lợi thế so sánh với các nước khác? Một quốc gia có thể sử dụng chính sách bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ của mình nhưng trong bao lâu mới là mối quan tâm chính. Việc bảo vệ một ngành công nghiệp còn non trẻ thực sự cần đến một khoản chi phí không nhỏ từ chính phủ và các nguồn lực tài chính khác. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển không hiệu quả, sự đầu tư thiếu hiệu quả cho ngành công nghiệp này. Loại hình bảo hộ này có thể cản trợ quá trình phát triển của các ngành công nghiệp mới hình thành.
Việc kiểm soát tỷ giá hối đoái gây ra lạm phát đáng kể nếu các quốc gia muốn giữ tỷ giá thấp. Bằng cách giảm giá trị tiền tệ để có thể bán sản phẩm và hàng hóa của quốc gia mình với giá rẻ hơn ở thị trường nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ sản phẩm nước ngoài nào được bán trên thị trường quốc gia đó cũng sẽ có mức giá cao hơn trước. Người tiêu dùng tại quốc gia đó buộc phải trả giá cao hơn cho những sản phẩm này. Vấn đề nằm ở việc một quốc gia muốn hỗ trợ các ngành công nghiệp của mình cạnh tranh ở nước ngoài trong khi công dân của họ phải trả giá cao hơn tại thị trường trong nước.
Và vấn đề lớn hơn có thể xảy ra đó là một cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi các quốc gia có hành động đối ứng nếu chính sách bảo hộ mậu dịch có hiệu lực. Nhiều quốc gia sẽ có những biện pháp trả đũa nếu họ không thể bán hàng hóa của mình ở thị trường nước ngoài. Chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên bởi các nhà sản xuất, các nhà cung ứng phải trả thêm tiền cho các thiết bị, hàng hóa và sản phẩm trung gian từ thị trường nước ngoài. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP thực tế của một quốc gia. Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), việc tăng 10% thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu tại Hoa Kỳ có thể dẫn đến việc giảm 1% GDP.
Tại thời điểm hiện tại, dù chưa gây ra hậu quả rõ ràng song sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thể hiện qua cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU đang tiềm ẩn mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả lớn của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo ông Roberto Azevedo, những hàng rào thương mại có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ thương mại quốc tế và điều này có thể phương hại cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn
Trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là “con dao hai lưỡi”. Điển hình là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đang được cả thế giới theo dõi, có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu về kinh tế thế giới; theo nhiều nhà phân tích thì cả hai bên đều chịu hậu quả khó lường trước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu. Đứng trước chủ trương của Hoa Kỳ áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với một số mặt hàng như 25% với thép, 10% với nhôm, các nước có phản ứng khá gay gắt.
Trong năm 2018, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan khá cao đối với thép, nhôm, cá da trơn của Việt Nam, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ chịu tác động tiêu cực. Việt Nam cần tạo thế mạnh cho chính mình để duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại, nhưng cũng cần phải nỗ lực để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu... Thay vì hướng tới một cực chủ yếu là Hoa Kỳ, cần hướng tới các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Nga... Việt Nam có lợi thế là đất nước sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại Tự do trên thế giới; chính điều này sẽ giúp thu hút đầu tư từ bên ngoài vào cũng như giúp Việt Nam giảm nhẹ sự ảnh hưởng của xu hướng bảo hộ mậu dịch.
Hồng Nhung