Tổ chức y tế của Hungary hỗ trợ kiểm tra sức khỏe cho trẻ em châu Phi (Ảnh: Daily News Hungary)
Sẽ không ít lần chúng ta bắt gặp những hoạt động từ thiện nặng về “đánh bóng hình ảnh” được tổ chức rầm rộ, phô trương, phản cảm như biển tên đơn vị trao quà to, ghi giá trị quà bằng tiền, yêu cầu người được trao quà phát biểu, quay phim, chụp hình… Và nhiều người không khỏi thắc mắc liệu những món quà, khoản tiền từ thiện có thực sự đến tay người dân? Hay việc quen nhận tiền, quà từ thiện có khiến nhiều người chỉ ngồi một chỗ và nhận những món đồ từ thiện, từ ngày này sang ngày khác? Những món quà chúng ta làm từ thiện có thực sự là những thứ người nhận cần? Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính hiệu quả của các hoạt động từ thiện.
Thông qua một số nghiên cứu và phân tích, các nhà hoạt động xã hội đã đưa ra ý tưởng về lý thuyết thay đổi, từ đó phát triển các chiến lược từ thiện và đo lường sự tác động của các chiến lược này. Cần tạo ra môi trường thuận lợi trong đó các tổ chức từ thiện hoạt động và tương tác lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các tổ chức từ thiện và các nhà nước đã trở nên thiếu gắn kết trong những năm gần đây. Do đó, cần phát triển hơn nữa tập trung vào các ngành như y tế, tư pháp, văn hóa và giáo dục.
Nhiều cách tiếp cận mới được đưa ra đã làm thay đổi nhận thức về từ thiện. Một ví dụ điển hình là ở châu Phi, cách tiếp cận truyền thống để giải quyết các vấn đề khó khăn của châu lục này đó là thông qua viện trợ. Điều này tạo ra một chu kỳ phụ thuộc của người dân và cả các chính phủ. Cách tiếp cận tốt hơn đã được đưa ra, đó là tài trợ cho các dự án tư nhân vì lợi nhuận. Những liên doanh này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn có hệ thống và bền vững hơn cho cộng đồng.
Với cách tiếp cận truyền thống, các tổ chức từ thiện đã mang đến cho hàng triệu người dân trên khắp châu Phi lương thực, sự chăm sóc sức khỏe, ứng phó khẩn cấp và giáo dục. Tuy nhiên, điểm yếu của những sự hỗ trợ này là kết quả của nó cho thấy sự thiếu bền vững. Chính vì thế mà châu Phi vẫn liên tiếp nhận được sự viện trợ năm này qua năm khác, hiện trạng đời sống người dân vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Điều châu lục này thực sự cần đó là một môi trường chính trị, kinh tế và xã hội bền vững để có thể tự cung - tự cấp.
Giáo dục chính là một trong những cách hỗ trợ hiệu quả nhất (Ảnh: Build Africa)
Thực tế cho thấy, việc kết nối các tổ chức từ thiện với khu vực tư nhân để phát triển kinh tế là cách hiệu quả nhất để xây dựng nguồn lực cho nền kinh tế địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững. Các nhà từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân địa phương trong việc khai thác các tài nguyên hiện có thể tạo ra sự thay đổi lớn.
Ngân hàng United Bank for Africa đã thành lập một tổ chức tài chính hiện đang phục vụ gần 7 triệu khách hàng, thông qua 750 chi nhánh tại 18 quốc gia châu Phi, đồng thời cung cấp việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 20.000 người dân. Doanh nghiệp hiện đang đóng góp vào việc phát triển việc làm, kỹ năng, xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính tích hợp nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và đầu tư.
Lấy ví dụ về việc khai thác nước sạch, nếu một quỹ từ thiện đầu tư vào việc đào một các giếng mới, lấy nước sạch cho người dân nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc bảo vệ chất lượng nước trong giếng thì sẽ có lúc người dân không còn nước sạch để dùng và giếng nước sẽ bị bỏ hoang. Do đó, cần có những nguồn lực để duy trì và cải thiện tính bền vững và tác động lâu dài của hoạt động từ thiện.
Các doanh nghiệp thương mại địa phương tại châu Phi đã chứng minh tính bền vững của mình nhiều hơn so với các dự án từ thiện. Điều này cũng chứng minh một quan niệm sai lầm cho rằng các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào viện trợ - tức là họ không thể có các nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại.
Một cách tiếp cận tốt hơn được đưa ra là hợp tác với các cộng đồng để sử dụng nguồn trợ cấp nhằm giảm rủi ro cho các nhà đầu tư thâm nhập vào các thị trường đang phát triển bằng cách tài trợ cho các liên doanh tư nhân, vì lợi nhuận.
Đã đến lúc cần có sự thay đổi mang tính triết học về cách viện trợ đang được triển khai trên khắp thế giới. Hiệu quả của hoạt động từ thiện nói chung có thể được cải thiện đáng kể thông qua việc áp dụng 3 nguyên lý chính:
Thứ nhất, tập trung vào sự giàu có của xã hội. Trong nhiều lĩnh vực phát triển truyền thống, các mô hình phi lợi nhuận có triển vọng tăng trưởng dài hạn hạn chế hơn so với các mô hình vì lợi nhuận. Các mô hình vì lợi nhuận có thể cung cấp cùng một dịch vụ cho cộng đồng nhưng họ tận dụng các luồng doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững cao hơn cho xã hội. Ngay cả những dòng lợi nhuận nhỏ có thể được tái đầu tư trở lại vào tổ chức để xây dựng năng lực và cung cấp thêm hàng hóa và dịch vụ cũng như thuê thêm nhân công, trả lương cao hơn cho người lao động và mua sắm thêm hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động của mình.
Thứ hai, triển khai các quỹ không chỉ vì các tác động ngắn hạn mà vì những sự thay đổi có hệ thống. Tạo ra giá trị cho cộng đồng nên được coi là mục tiêu chính cho mọi hoạt động từ thiện vì nó tạo ra nguồn lực để giải quyết các vấn đề trong tương lai và giảm khả năng phụ thuộc lâu dài.
Thứ ba là tập trung vào tính bền vững lâu dài. Nếu lấy tăng trưởng bền vững và thay đổi làm mục tiêu thì các chương trình từ thiện phải được lựa chọn và thiết kế đặc biệt cho các mục tiêu đó.
Thay vì những con số về số người dân nhận được tiền và các vật phẩm từ thiện mỗi năm thì các nhà hảo tâm nên báo cáo về sự đóng góp của họ trong việc tạo ra các giải pháp lâu dài dành cho người dân.
Trẻ em vùng cao cần nhiều hơn là những món quà từ thiện để thay đổi cuốc sống (Ảnh: Công luận)
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động từ thiện dựa trên ba lĩnh vực chính: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… và tuân theo những mô túyp truyền thông không sáng tạo, không đầu tư thời gian để tìm ra những giải pháp mới mẻ và phong phú hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động từ thiện mang tính tính rời rạc, ngắn hạn… tỏ ra kém hiệu quả. Phần lớn các công ty sử dụng tiền mặt để làm từ thiện, một phần sử dụng vật chất để đóng góp. Rất ít công ty chịu sử dụng thời gian của nhân viên làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng, mặc dù đây là phương thức tiềm năng nhất và mang lại hiệu quả toàn diện. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ở Việt Nam chưa thực sự gắn kết. Các tổ chức xã hội không đủ thẩm quyền đứng ra tổ chức, điều phối cuộc họp với các bên liên quan, nên khó giải quyết những cách hiểu khác nhau và đòi hỏi chưa đúng từ doanh nghiệp tài trợ. Hiện chưa có một đạo luật cụ thể hóa quyền của các tổ chức xã hội được quy định trong Hiến pháp về việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội, dẫn đến cộng đồng và doanh nghiệp có những cách hiểu khác nhau, thậm chí phân biệt đối xử. Chính sự hiểu biết và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đang cản trở hoạt động từ thiện hiện nay. Cần sự hợp tác từ các bên là Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và sự ủng hộ của cộng đồng; hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế, tài chính, trách nhiệm xã hội và phổ biến rộng rãi các quy định này tới doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam thường tặng quà từ thiện cho người dân (Ảnh: DĐDN)
Thêm vào đó, để ngăn chặn thực trạng lợi dụng các hoạt động từ thiện, phát huy những chương trình hoạt động, phong trào tình nguyện, từ thiện xã hội đích thực cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tập thể quản lý trong cấp, ngành của mình đối với từng hoạt động, chương trình từ thiện xã hội; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ địa bàn dân cư cho đến các cấp cao hơn sẽ giám sát và tuyên truyền về hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương...
Để tăng hiệu quả của các hoạt động từ thiện xã hội, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức, mỗi chính phủ cần thay đổi quan niệm và cách tiếp cận của mình, hướng đến tính bền vững về kinh tế và xã hội.
Hồng Nhung