|
Năng lượng tái tạo là giải pháp về năng lượng hiệu quả và bền vững nhất. Ảnh BMWK |
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA cho biết năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh chóng để đáp ứng hầu hết nhu cầu bổ sung về năng lượng. Các chính phủ cần tạo điều kiện cho các nguồn năng lượng phát thải thấp phát triển nhanh hơn nữa và giảm lượng khí thải để đảm bảo nguồn cung cấp điện an toàn trên thế giới đồng thời đạt được các mục tiêu về khí hậu.
IEA cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3% trong giai đoạn 2023 - 2025, so với tốc độ tăng trưởng của năm 2022. Báo cáo cho biết hơn 70% trong số này dự kiến đến từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ.
Các nền kinh tế tiên tiến đang tìm cách tạo ra nhiều điện hơn, cũng như giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong các lĩnh vực tiêu thụ như sưởi ấm, làm mát và vận tải. Theo báo cáo này, đến năm 2025, lần đầu tiên trong lịch sử, châu Á sẽ chiếm một nửa lượng điện tiêu thụ trên thế giới và một phần ba lượng điện toàn cầu sẽ được sử dụng ở Trung Quốc. Trong 3 năm tới, lượng điện tiêu thụ mỗi năm gần tương đương với lượng điện tiêu thụ ở Vương quốc Anh và Đức cộng lại.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng hỗn hợp sản xuất điện trên thế giới dự kiến sẽ tăng từ 29% lên 35% vào năm 2025. Do đó, tỷ lệ sản xuất điện từ than và khí đốt sẽ giảm. Và lượng khí thải CO2 của ngành điện toàn cầu được dự đoán sẽ ổn định cho đến năm 2025, mặc dù lượng khí thải đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022 là khoảng 13,2 tỷ tấn CO2.
IEA cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa sản lượng năng lượng tái tạo bổ sung, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU). Sự tăng trưởng này đang được thúc đẩy bởi việc tăng đầu tư của các chính phủ cho năng lượng tái tạo như một phần của kế hoạch phục hồi kinh tế. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, Đạo luật giảm lạm phát sẽ cung cấp thêm 370 tỷ USD cho các khoản đầu tư cho năng lượng sạch.
Sản lượng năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 3,6% mỗi năm. Điều này đến từ sự phục hồi của ngành sản xuất điện hạt nhân ở Pháp sau khi quá trình bảo trì hoàn tất. Các nhà máy điện hạt nhân mới cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu ở châu Á.
Cả cung và cầu về điện hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu. Năm 2022, châu Âu chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt và Mỹ trải qua những cơn bão lớn trong mùa đông, gây nên thiệt hại nặng nề.
Tác động của các sự kiện thời tiết đối với nhu cầu điện sẽ gia tăng do việc sử dụng điện để làm nóng và làm mát phổ biến hơn, trong khi tỷ lệ năng lượng tái tạo phụ thuộc thời tiết cũng sẽ tiếp tục tăng trong tổng hỗn hợp sản xuất điện. Với tình hình thế giới hiện nay, việc tăng cường tính linh hoạt của hệ thống điện trong khi đảm bảo nguồn cung và khả năng chống chịu các tác động thời tiết đóng vai trò quan trọng.
|
Tiêu dùng tư nhân cũng là một thị trường lớn cho năng lượng tái tạo. Ảnh S&P GLOBAL |
Quan điểm này của IEA được phản ánh trong báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả 2022” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Trong đó giải thích rằng việc đa dạng hóa cơ cấu năng lượng với nhiều nguồn năng lượng carbon thấp có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng. Các nguồn năng lượng tái tạo đã sẵn sàng để triển khai nhanh chóng trên diện rộng, cho phép các quốc gia xây dựng các hệ thống năng lượng đa dạng, đáng tin cậy và bền vững hơn.
Công suất điện mặt trời, bao gồm cả hệ thống phân tán nhỏ và quy mô lớn, chiếm hai phần ba mức tăng dự kiến trong năm 2023 về công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Để đối phó với giá điện tăng cao do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu đã tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để có thể cải thiện an ninh năng lượng của quốc gia cũng như khu vực. Trọng tâm thay đổi này tạo ra một môi trường thuận lợi cho điện mặt trời, đặc biệt là các hệ thống dân dụng và thương mại có thể được lắp đặt nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Sau hai năm suy giảm liên tiếp, việc bổ sung công suất điện gió trên bờ sẽ phục hồi 70% trong năm nay lên 107 GW, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Điều này chủ yếu là do việc vận hành trở lại của các dự án bị trì hoãn ở Trung Quốc do các hạn chế của đại dịch Covid-19. Việc mở rộng nhanh chóng của các dự án điện gió trên bờ sẽ diễn ra ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Việc bổ sung điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024, trong khi đó vẫn tồn tại những thách thức đối với việc mở rộng sản xuất năng lượng gió. Giá mô-đun giảm, sự hấp thụ của các hệ thống quang điện mặt trời phân tán gia tăng và chính sách triển khai trên quy mô lớn đang thúc đẩy sản lượng năng lượng mặt trời bổ sung hàng năm cao hơn ở tất cả các thị trường lớn, bao gồm Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ngược lại, nếu không có các chính sách triển khai sớm, khối lượng năng lượng gió bổ sung vào năm 2024 dự kiến sẽ giảm khoảng 5% trên toàn cầu, so với năm 2023. Mặc dù, việc bổ sung năng lượng gió ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024 nhưng sẽ không bù đắp được sự chậm trễ trong việc triển khai dự án ở châu Âu. Tình hình phát triển năng lượng gió ở châu Âu sẽ chỉ được cải thiện khi luật mới được thực thi. Nhìn chung, công suất năng lượng tái tạo tích lũy trên toàn cầu dự báo sẽ đạt trên 4.500 GW vào cuối năm 2024, tương đương tổng công suất điện của Trung Quốc và Hoa Kỳ cộng lại.
Việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể đạt 550 GW vào năm tới, cao hơn gần 20% so với dự báo, trong trường hợp một kịch bản tăng tốc xảy ra. Điều này chủ yếu là do việc triển khai lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời dân dụng và thương mại diễn ra nhanh hơn. Hiệu quả của các dự án điện gió và điện mặt trời trên bờ quy mô tiện ích chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ cấp phép dự án, triển khai xây dựng và kết nối lưới điện kịp thời.
Cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo ở EU, mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Hành động nhanh chóng của các quốc gia châu Âu đã khiến dự báo về công suất năng lượng tái tạo bổ sung tăng 40% trong năm 2024 so với thời điểm trước khi xảy ra xung đột.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của điện mặt trời phân tán là yếu tố chính tạo nên triển vọng tích cực này. Bên cạnh đó, giá điện tăng cao cũng khiến điện mặt trời trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính. Đồng thời, một số quốc gia châu Âu đã áp dụng chính sách hỗ trợ tại các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Đức, Ý và Hà Lan.
Các nước châu Âu đã đưa ra nhiều thay đổi về chính sách và quy định nhằm giảm bớt các thủ tục cấp phép trong 18 tháng qua. Người tiêu dùng ở châu Âu dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ EUR trong giai đoạn 2021-2023 nhờ các dự án điện gió và điện mặt trời mới được lắp đặt. Việc đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án năng lượng tái tạo ở châu Âu kể từ năm 2021 đã giảm thiểu tác động kinh tế do các cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra.
Điện mặt trời và điện gió chi phí thấp đang dần thay thế khoảng 230 TWh sản lượng nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn 2021-2023. Nếu không có công suất năng lượng tái tạo bộ sung này, giá bán buôn điện trung bình ở EU vào năm ngoái có thể đã cao hơn 8%, gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân sách chính phủ.
Tại Hoa Kỳ, việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo tăng trở lại trong năm 2023, sau một năm 2022 đầy khó khăn. Thị trường điện gió và điện mặt trời của quốc gia này đã giảm trong năm ngoái do các biện pháp hạn chế thương mại và hạn chế chuỗi cung ứng. Các ưu đãi thuế cùng với Đạo luật giảm lạm phát sẽ có hiệu lực đầy đủ sau năm 2024, chắc chắn mang lại hiệu quả chưa từng có cho các dự án năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ cho tới năm 2032.
Tại Ấn Độ, công suất năng lượng tái tạo dự kiến tăng trong năm 2023 và 2024, nhờ triển khai điện gió, thủy điện và năng lượng mặt trời phân tán trên đất liền. Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời quy mô tiện ích - phân khúc tăng trưởng điện tái tạo lớn nhất của Ấn Độ, dự kiến sẽ chậm lại do những thách thức về chuỗi cung ứng.
|
Dự án điện mặt trời ở Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh EVN |
Tại Việt Nam, đến cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; 11 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 545,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70 - 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90 - 105.000 việc làm trực tiếp.
Hồng Nhung biên dịch