|
Tham nhũng làm suy yếu mọi khía cạnh của sự phát triển. ẢNH: FIDIC |
Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố cho thấy có rất ít tiến bộ trong năm qua khi 8 trong số 10 quốc gia có mặt trong danh sách 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới trong năm 2021 vẫn nằm trong top 10 năm 2022. Trong năm 2022, Somalia (12 điểm), Syria (13), Nam Sudan (13), đứng cuối danh sách. Venezuela (14), Yemen (16), Libya (17), Triều Tiên (17), Haiti (17), Guinea Xích đạo (17) và Burundi cũng nằm trong số những quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan và việc dỡ bỏ các khuôn khổ chống tham nhũng ở Brazil là những ví dụ nổi bật về việc thiếu trách nhiệm giải trình của các chính phủ. “Các chính phủ cần mở cho người dân tham gia vào quá trình ra quyết định - từ các nhà hoạt động, chủ doanh nghiệp đến các cộng đồng bị thiệt thòi và người trẻ tuổi. Trong các xã hội dân chủ, người dân có thể lên tiếng để góp phần loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng và xây dựng một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người”, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Daniel Eriksson cho biết.
Tham nhũng làm suy yếu mọi khía cạnh của sự phát triển, bao gồm tính bền vững của môi trường, nhân quyền và bình đẳng giới, đồng thời ảnh hưởng không cân đối đến nhóm người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi nhất. Tham nhũng phải được loại bỏ bằng nỗ lực hợp tác toàn cầu.
Văn phòng UNDP Thái Bình Dương đã hợp tác với các Quốc đảo Thái Bình Dương (PIC) để ngăn chặn và chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua. Phương pháp “toàn bộ chính phủ và toàn bộ xã hội” là trung tâm của nhiều hoạt động, được định rõ bởi các cam kết chống tham nhũng quốc tế, khu vực và quốc gia, bao gồm Công ước Liên hợp quốc chống tham nhũng (UNCAC) và Nghị quyết 2030 về Phát triển bền vững và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Cụ thể, SDG 16 khuyến khích các quốc gia “thúc đẩy xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, mang lại khả năng tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và toàn diện ở mọi cấp độ”.
Các cam kết khu vực quan trọng khác cung cấp thông tin cho công tác phòng, chống tham nhũng của UNDP bao gồm Tầm nhìn Teieniwa - Đoàn kết Thái Bình Dương chống tham nhũng; Tuyên bố Biketawa, Khuôn khổ về Chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương năm 2014 và Tuyên bố Boe về An ninh khu vực, cũng như các khía cạnh quản trị của Chiến lược Thái Bình Dương Xanh năm 2050. UNDP là một trong những đối tác chiến lược quan trọng trong quá trình thiết kế Tầm nhìn Teieniwa, được 18 nhà lãnh đạo PIC thông qua và tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện tầm nhìn này bằng các sáng kiến quốc gia và trên toàn khu vực.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại và người dân khu vực Thái Bình Dương là trọng tâm của tất cả công việc này, hiện được chính phủ New Zealand, Nhật Bản và Vương quốc Anh hỗ trợ. Các quan hệ đối tác này hoạt động ở nhiều cấp độ bao gồm với các cơ quan của Hội đồng các tổ chức khu vực Thái Bình Dương (CROP), như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC), các tổ chức chính phủ quốc gia, các nhóm nghiên cứu và giáo dục, truyền thông, xã hội dân sự và các tổ chức phụ nữ và thanh niên, cũng như giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp.
Vào ngày 31/10 vừa qua, các chính phủ, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự, tổ chức thanh niên và khu vực tư nhân đã tập trung tại Viên, Áo để kỷ niệm 20 năm UNCAC. Đây là công cụ chống tham nhũng có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên và duy nhất trên thế giới, UNCAC được tuân thủ ở hầu hết các quốc gia toàn cầu, với 190 bên tham gia Công ước. Mục tiêu của UNCAC là tìm biện pháp ngăn chặn và hình sự hóa hành vi tham nhũng đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hồi và trả lại tài sản bị tham nhũng, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và trao đổi thông tin.
Sự kiện kỷ niệm 20 năm UNCAC đã nêu bật lên sự chuyển đổi của Công ước trong bối cảnh hai thập kỷ chống tham nhũng. Hợp tác quốc tế đã giúp thu hồi lại 4,3 tỷ USD tiền tham nhũng cho các quốc gia bị thiệt hại kể từ năm 2010. Các công cụ như Cơ chế đánh giá thực hiện trong đó mỗi quốc gia thành viên của UNCAC được hai quốc gia ngang hàng đánh giá, đã giúp các chính phủ xác định hơn 9.000 lỗ hổng trong quá trình thực hiện Công ước và hơn 4.000 yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Nền tảng chống tham nhũng cấp khu vực và các trung tâm chống tham nhũng trực thuộc UNODC đã hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện Công ước nhanh hơn thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như thách thức đang đặt ra. Trong khi đó, Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng toàn cầu (GlobE Network) đã làm cầu nối của 172 cơ quan thuộc 98 quốc gia.
Sự kiện kỷ niệm 20 năm UNCAC cũng nhấn mạnh rằng vẫn tồn tại những khoảng trống trong việc thực hiện Công ước. Việc thiếu các chiến lược và chính sách phòng ngừa hiệu quả tiếp tục làm suy yếu các thể chế công và duy trì tình trạng dung túng cho tham nhũng như một hành vi được chấp nhận.
|
Thế giới cần đoàn kết để phòng, chống tham nhũng. ẢNH: UNODC |
|
Người dân cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. ẢNH: UNDP |
Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy trong giai đoạn 2015-2021, có 20% người dân trên toàn thế giới tiếp cận với dịch vụ công cho biết rằng họ đã hối lộ để “được việc”. Các quốc gia có thu nhập thấp phải chịu gánh nặng tham nhũng nặng nề hơn các quốc gia phát triển. Tỷ lệ hối lộ là 37,6% ở các quốc gia thu nhập thấp so với 7,2% ở các quốc gia thu nhập cao trong giai đoạn 2011-2020. Để đạt được sự hợp tác hiệu quả và thu hồi được số tiền tham nhũng thất thoát trong trường hợp xuyên biên giới quốc tế sẽ phức tạp và đầy thách thức.
Theo Giám đốc điều hành của UNODC, Ghada Waly, trong hai thập kỷ qua, UNCAC đã đóng vai trò là một cam kết toàn cầu có trọng lượng trong việc phòng, chống tham nhũng và là một nền tảng có hiệu quả cao trong cuộc chiến này. Bà Waly cũng cho biết thêm: “Trong một thế giới khao khát sự thống nhất, chúng ta cần nắm bắt cơ hội này để cùng nhau đoàn kết chống tham nhũng”.
WB đã tăng cường hợp tác với các đối tác để củng cố hành động tập thể của các quốc gia trên toàn cầu nhằm phòng, chống tham nhũng trong năm qua. Các văn phòng độc lập của Phó Chủ tịch Liêm chính (INT), Văn phòng đình chỉ và cấm tham gia (OSD) và Ban xử phạt của WB đã phối hợp để tạo thành hệ thống xử phạt và chịu trách nhiệm giải quyết các cáo buộc gian lận và tham nhũng trong hoạt động của WB. Báo cáo chung thường niên của các văn phòng nêu bật quy trình công bằng, khách quan và minh bạch trong việc điều tra những cáo buộc và xác định các biện pháp trừng phạt thích hợp đối với các tổ chức và cá nhân bị coi là có hành vi tham nhũng.
Shaolin Yang - Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc hành chính của WB cho biết: “Tham nhũng đang ăn mòn sự phát triển và làm suy yếu những tiến bộ mà chúng ta mong muốn đạt được”. “Nạn nhân của tham nhũng là những người mà cuộc sống của họ đáng lẽ phải được cải thiện nhờ vào các dự án mà WB đầu tư. Chúng tôi sẽ không dao động trong nỗ lực đảm bảo rằng các nguồn lực phát triển của WB được sử dụng một cách minh bạch, có trách nhiệm và đúng mục đích đã định”.
Ngoài chức năng chống tham nhũng quan trọng này, WB đã tăng gấp đôi đóng góp của mình vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự chống tham nhũng toàn cầu thông qua nhiều nỗ lực khác nhau. Trong năm 2023, diễn đàn ICHA đã hoạt động mạnh mẽ trở lại, quy tụ hơn 350 nhân tố tuyến đầu, củng cố mạng lưới các đối tác chống tham nhũng toàn cầu. Được đồng tổ chức bởi Chính phủ Bờ Biền Ngà, diễn ra tại Abidjan, đây là lần đầu tiên Diễn đàn ICHA được tổ chức tại một quốc gia châu Phi. Ngoài ra, WB đã cùng các đối tác là các Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) củng cố các khuôn khổ chống tham nhũng thêm phần nhất quán, thông qua việc chấp nhận “Nguyên tắc tổng quát về Chương trình chống tham nhũng của các MDB”.
Hệ thống xử phạt của WB quy định các hành vi sai trái có thể bị xử phạt thông qua một quy trình gồm nhiều giai đoạn. Hoạt động của INT có vai trò phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận và tham nhũng trong hoạt động của WB. OSD, với tư cách là cấp xét xử đầu tiên của hệ thống trừng phạt, có nhiệm vụ xem xét một cách khách quan tính đầy đủ của bằng chứng từ các cuộc điều tra của INT và đề xuất các biện pháp trừng phạt thích hợp. Ủy ban xử phạt là một tòa án hành chính độc lập đóng vai trò là cấp xét xử thứ hai và cuối cùng đối với các trường hợp xử phạt gây tranh cãi. Trong năm tài chính 2023, WB đã truy cứu trách nhiệm 23 công ty và cá nhân với quyết định cấm tham gia có điều kiện, khiến các tổ chức, cá nhân này không đủ điều kiện tham gia vào các dự án và hoạt động được tài trợ bởi các tổ chức thuộc WB.
Tại Việt Nam, chỉ số CPI của nước ta trong năm 2022 đã tăng ba điểm và lên 10 bậc trong bảng xếp hạng nhờ nỗ lực chống tham nhũng. Việt Nam được Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá là một trong 5 quốc gia cải thiện chỉ số CPI nhiều nhất trong 5 năm liên tục. Trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; nhiều biện pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Hồng Nhung biên dịch