Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, từ 71-100 triệu người dân trên thế giới đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19. Phần lớn người nghèo cùng cực mới ở khu vực các nước Nam Á và Hạ Sahara, nơi tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao từ trước đại dịch. Vào năm 2021, còn số này dự kiến sẽ tăng từ 143 triệu lên 163 triệu người.
Số lượng người đang sống trong tình trạng nghèo đa chiều và dai dẳng trên thế giới hiện nay vào khoảng 1,3 tỷ người. Họ đã sống trong sự thiếu thốn từ trước đại dịch và tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Trên thực tế, tác động của Covid-19 trầm trọng nhất đối với những người không được tiếp cận bình đẳng với hàng hóa, dịch vụ công, hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng và bảo trợ xã hội, khiến họ khó có thể đối phó với bất kỳ cú sốc nào. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách và phong tỏa được áp dụng để hạn chế sự lây lan của đại dịch đã đẩy họ vào tình trạng nghèo đói hơn khi không thể kiếm được việc làm.
Đại dịch đã làm gia tăng sự bất bình đẳng, gia tăng tương đối tình trạng nghèo cùng cực - được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày. Tiến bộ trong nhiều lĩnh vực bị đình trệ như xóa đói, giảm nghèo, y tế và giáo dục - đây là những lĩnh vực đã đạt được một số thành tựu mặc dù không đồng đều trên toàn khu vực trước đại dịch.
Theo thống kế toàn diện về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho 49 quốc gia trong khu vực, có khoảng 203 triệu người, tương đương 5,2% dân số châu Á sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2017. Nếu không có đại dịch Covid-19, con số này có thể đã giảm xuống còn 2,6% vào năm 2020.
Theo nhà Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada, châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng nhưng đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những vết đứt gãy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030, các nhà hoạch định cần khai thác dữ liệu chất lượng cao và kịp thời xây dựng hướng dẫn cho các hành động nhằm đảm bảo rằng việc phục hồi không để lại hậu quả cho bất kỳ ai, đặc biệt là người nghèo và người dễ bị tổn thương.
Nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển với tốc độ mạnh mẽ trong những năm gần đây và đóng góp tới 35% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại ngay khi đầu tư trong nước suy yếu và thương mại toàn cầu chậm lại. Trong số các nền kinh tế ở khu vực, chỉ có khoảng ¼ nền kinh tế công bố tăng trưởng GDP trong năm qua. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mất khoảng 8% số giờ lao động do các lệnh hạn chế đi lại, ảnh hưởng sâu sắc đến các hộ gia đình nghèo và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra dự báo mới đây cho biết sẽ có thêm 150 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực vào cuối năm tới khi xung đột, biến đổi khí hậu và Covid-19 kết hợp lại chấm dứt hai thập kỷ tiến bộ trong việc nâng cao mức sống của người dân có thu nhập thấp.
Về mặt địa lý, đói nghèo ngày càng tập trung nhiều ở châu Phi và thành công của việc chấm dứt nghèo đói trên toàn cầu sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiến bộ của các quốc gia ở khu vực này. Trong đó Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo là hai quốc gia có số người dân trong tình trạng nghèo đói nổi bật, chiếm 1/3 tổng số người nghèo cùng cực vào năm 2030.
Mục tiêu xóa bỏ nghèo cùng cực vào năm 2030 đã được Liên hợp quốc đặt ra là một trong những mục tiêu phát triển bền vững nhưng theo Ngân hàng Thế giới sẽ không có cơ hội đạt được điều này nếu chúng ta không có hành động nhanh chóng mang tính quyết định. Trong 10 năm tới, 7% dân số thế giới vẫn có thể sống dưới mức 1,9 USD/ngày.
Tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm khoảng một điểm phần trăm mỗi năm từ 1990-2015, nhưng tốc độ này đã chậm lại còn nửa điểm phần trăm từ năm 2015-2017, trước khi Covid-19 đảo ngược quá trình. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết để đảo ngược những khó khăn, trở ngại nghiêm trọng trọng việc xóa đói giảm nghèo, các quốc gia sẽ cần chuẩn bị cho một nền kinh tế thời hậu Covid-19, bằng cách cho phép vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới diễn ra trong các lĩnh vực mới, doanh nghiệp mới.
Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển phục hồi tăng trưởng và đáp ứng các tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế trong quá trình hướng tới sự phục hồi bền vững và toàn diện.
Khi thế giới bắt tay vào việc phục hồi sau Covid và trở lại đúng hướng với các Mục tiêu Phát triển Bền vững, một mạng lưới toàn cầu được tạo ra bởi các tổ chức và người dân hoạt động để khắc phục tình trạng đói nghèo.
Mục tiêu xây dựng hướng tới tương lai có nghĩa là chuyển đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên. Xóa bỏ cấu trúc phân biệt đối xử gây bất lợi cho những người nghèo đói, xây dựng trên khuôn khổ đạo đức và luật pháp về quyền con người, đặt phẩm giá của con người vào trọng tâm của chính sách và hành động. Xây dựng hướng tới tương lai không chỉ có nghĩa là không ai bị bỏ lại phía sau mà còn giúp những người sống trong tình trạng nghèo đói được khuyến khích và hỗ trợ tích cực để tiến lên phía trước, tham gia đầy đủ và có ý nghĩa và các quá trình ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Để xây dựng hướng tới tương lai chúng ta cần làm giàu bằng trí tuệ, năng lực và khả năng xoay sở trong khó khăn để có thể đóng góp cho cộng đồng, xã hội và cuối cùng là cho hành tinh của chúng ta.
Trẻ em đang được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo ở nhiều quốc gia. Do các quốc gia nghèo cùng cực thường có tỷ lệ sinh cao hơn các quốc gia nghèo ổn định, nên các quốc gia này cũng có tỷ lệ trẻ em nghèo cao hơn. Một nửa trong số 90 triệu người ở mức nghèo cùng cực ở Nigeria vào năm 2021 là trẻ em dưới 15 tuổi. Như vậy, vào năm 2030, 2/3 số người nghèo cùng cực trên thế giới sẽ sống trong các tình trạng không ổn định, một nửa trong số này là trẻ em. Điều này có nghĩa là nếu một đứa trẻ sinh ra trong tình trạng đói nghèo không ổn định, đứa trẻ đó có 50% cơ hội lớn lên trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt. Nếu một đứa trẻ được sinh ra ở phần còn lại của thế giới, cơ hội lớn lên trong hoàn cảnh nghèo cùng cực là ít hơn 5%. Do đó, sự thịnh vượng của thế hệ tiếp theo sẽ chủ yếu phụ thuộc vào thành công của chúng ta trong việc hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất ở những khu vực địa lý dễ bị tổn thương nhất.
Tại Việt Nam, mục tiêu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 là giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm. Trên thực tế, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm; phấn đấu 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và cơ bản hỗ trợ xóa nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Đến năm 2030: Phấn đấu cơ bản các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo; Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo.
Thu Anh biên dịch