Cựu Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Xã hội Indonesia Juliari Batubara bị kết án 12 năm tù giam do liên quan đến vụ án tham nhũng viện trợ cho người dân trong đại dịch. (Nguồn : Antaranews)
Theo Robert Klitgaard, tác giả cuốn Kiểm soát tham nhũng, ở gốc độ rộng nhất, tham nhũng là việc lạm dụng chức vụ cho những mục đích không chính thức.
Chỉ riêng các quan chức tham nhũng ở các nước đang phát triển đã nhận tới 40 tỷ USD hối lộ mỗi năm. Trong một cuộc khảo sát, hơn một nửa số người được hỏi cho biết, chính phủ của họ không hiệu quả trong việc chống tham nhũng.
Tại Hoa Kỳ, 60% người dân tin rằng tham nhũng đang gia tăng. Hơn 75% người dân Hoa Kỳ coi các đảng phát chính trị là những tổ chức tham nhũng nhiều nhất, tiếp theo là cơ quan lập pháp, truyền thông, quan chức nhà nước và doanh nghiệp.
Thật khó để đánh giá chi phí của tham nhũng, nhưng hầu hết các quốc gia đều đồng ý rằng, chi phí do tham nhũng rất lớn. Một số chuyên gia ước tính tiêu hao hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu mỗi năm - khoảng 2,6 nghìn tỷ USD. Điều này thậm chí còn khó đo hơn mức độ tham nhũng gây ra đối với sự phát triển của con người và xã hội.
Ngoài thiệt hại về mặt kinh tế, Liên hợp quốc cho biết, tham nhũng còn làm suy yếu nền dân chủ và pháp quyền; dẫn đến vi phạm nhân quyền; chất lượng cuộc sống đi xuống; tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức và các mối đe dọa khác đối với an ninh. Nhìn chung, tham nhũng cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới, bao gồm: chấm dứt đói nghèo; cung cấp giáo dục chất lượng, chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người; bình đẳng giới; đảm bảo nước sạch và năng lượng tái tạo; phát triển các thành phố và cộng đồng bền vững.
Tham nhũng làm mất đi nguồn lực của cộng đồng, thâm hụt nguồn quỹ dành cho các sáng kiến công cộng cần thiết để đạt được những mục tiêu phát triển trên. Đối với các doanh nghiệp, tham nhũng làm cản trở tăng trưởng kinh doanh, làm chi phí leo thang, phá hoại cạnh tranh bình đẳng và gây ra những rủi ro về mặt tài chính, gây mất uy tín.
Bên cạnh những tác động về mặt tài chính, cái giá phải trả thường xuyên của tham nhũng chính là các tác động tâm lý có hại của nó. Nạn tham nhũng còn gây hại cho sức khỏe tâm thần của người dân ở các nước đang phát triển.
Thiệt hại có thể ở nhiều dạng, ví dụ, quy mô và tần suất hối lộ gây ra chi phí tài chính và tạo ra sự lo lắng, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo, những người bị ảnh hưởng không tương xứng và dễ bị tổn thương hơn.
Tham nhũng cũng dẫn đến việc phân bổ sai lệch các dịch vụ công quan trọng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những yếu tố này rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng thường chỉ sẵn có đối với những người có khả năng chi trả. Hơn nữa, việc hối lộ để có được những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu sẽ dẫn đến cảm giác bất lực và tước quyền sở hữu của người dân.
Theo ước tính, khoảng 10% dân số thế giới bị rối loạn sức khỏe tâm thần do tác động của hối lộ và tham nhũng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người có thu nhập thấp hơn có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng hơn những người có thu nhập cao.
Tham nhũng diễn ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19 là mối đe dọa kép đối với các quốc gia thu nhập thấp. Sự bùng phát của dịch bệnh ảnh hưởng đồng thời đến các nước phát triển và đang phát triển. Trong giai đoạn này, việc quản lý rủi ro tham nhũng cũng như duy trì các biện pháp trừng phạt đối với tội phạm tham nhũng sẽ có xu hướng bị giảm đi. Đại dịch là giai đoạn mà một số người coi là cơ hội lợi dụng tình trạng khẩn cấp để lạm dụng quyền lực của mình để tư lợi.
Các chính phủ trên khắp thế giới đóng một vai trò to lớn trong phòng, chống đại dịch và cung cấp các nguồn lực kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Vai trò mở rộng này rất quan trọng, nhưng mặt khác nó cũng làm tăng cơ hội cho tham nhũng.
Hệ thống y tế ở các nước nhận viện trợ thường xuyên bộc lộ nhiều yếu kém, sẽ gây khó khăn trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Các quốc gia này yêu cầu các khoản hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Điều quan trọng là các khoản đầu tư hiện có cũng như bất kỳ quỹ bổ sung để phòng, chống đại dịch phải được triển khai một cách chiến lược. Các quy trình chống tham nhũng và hệ thống trách nhiệm giải trình minh bạch sẽ đảm bảo rằng các khoản viện trợ được triển khai hiệu quả và mang lại lợi ích cho những người cần nó nhất.
Các chính phủ cần báo cáo kịp thời và minh bạch, đồng thời hợp tác chặt chẽ với xã hội dân sự và khu vực tư nhân.
Khi tình hình tài chính công ngày càng xấu đi, các quốc gia cần ngăn chặn tình trạng trốn thuế, lãng phí và thất thoát ngân quỹ do tham nhũng trong chi tiêu công gây ra.
Cuộc khủng hoảng cũng là phép thử cho lòng tin của người dân vào chính phủ và các tổ chức, đồng thời các hành vi đạo đức được phản ánh rõ ràng hơn khi nhu cầu y tế tăng cao hơn. Bằng chứng về tham nhũng có thể làm suy yếu khả năng của một quốc gia trong việc ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng, làm sâu sắc thêm tác động kinh tế và đe dọa mất đi sự gắn kết chính trị và xã hội.
Chỉ số Nhận thức Tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã cảnh báo rằng nhân quyền và dân chủ trên toàn thế giới đang bị tấn công. Đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia đã được dùng như một cái cớ để cắt giảm các quyền tự do cơ bản và bỏ qua các kiểm tra quan trọng.
Một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Berlin đã tiến hành khảo sát các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia để chấm điểm cho 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ nhận thức của họ về tham nhũng trong khu vực công. Sử dụng thang điểm từ 0 - 100 (100 là rất trong sạch và 0 là tham nhũng cao), báo cáo thường niên lần thứ 10 cho thấy, hai phần ba số quốc gia đạt điểm dưới 50, điểm trung bình là 43. Nhìn chung, cuộc chiến chống tham nhũng đang có những kết quả khác nhau, với một số quốc gia đạt được hiệu quả và nhiều quốc gia khác tụt hậu.
Báo cáo của tổ chức này cho biết: Kể từ năm 2012, có 25 quốc gia đã cải thiện đáng kể điểm số của họ, nhưng cũng trong thời gian đó, 23 quốc gia đã tụt hậu đáng kể.
Nhiều quốc gia đạt điểm cao với khu vực công tương đối trong sạch vẫn tiếp tục để xảy ra tham nhũng. Một công ty vỏ bọc không có địa chỉ thực tế, nhân viên, sản phẩm hoặc doanh thu, nó được sử dụng để lưu trữ tiền, giúp tạo điều kiện tránh thuế.
Tội phạm tham nhũng đã hiện hữu ở các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp, có thể dẫn đến việc một số tội phạm nghiêm trọng không bị trừng phạt nghiêm minh và đúng tội, do đó, nhân quyền bị ảnh hưởng.
Tây Âu và Liên minh châu Âu đứng đầu với tư cách là khu vực có điểm số cao nhất, ít tham nhũng nhất với điểm số 66/100. Châu Phi cận Sahara có điểm số thấp nhất là 33/100. Xếp ở vị trí dẫn đầu là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand. Na Uy, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan, Luxembourg và Đức lọt vào top 10.
Tuy nhiên, bất chấp những cam kết và hứa hẹn trên giấy về chống tham nhũng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhận thấy rằng, có 131 quốc gia trong số 180 quốc gia không có tiến bộ trong việc chống tham nhũng trong thập kỷ qua.
Nam Sudan, Syria và Somalia xếp cuối bảng. Các quốc gia đang trong xung đột hoặc dưới chế độ độc tài bị xếp gần cuối bảng, bao gồm: Venezuela, Yemen, Triều Tiên, Afghanistan, Libya, Equatorial Guinea và Turkmenistan.
Theo báo cáo, khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi đạt điểm số 39/100 trong năm thứ tư liên tiếp đang đấu tranh chống tham nhũng. Những hành vi sai trái về chính trị có hệ thống và lợi ích cá nhân vượt qua lợi ích chung đã khiến khu vực - vốn đã bị tàn phá bởi nhiều cuộc xung đột - tiếp tục bị tàn phá bởi tham nhũng và vi phạm nhân quyền trong đại dịch Covid-19.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các chính phủ trên thế giới đã chi hoặc dành hàng nghìn tỷ USD để kích thích nền kinh tế của họ và giữ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình đang gặp khó khăn trụ lại trong khủng hoảng.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhấn mạnh rằng, các chính phủ phải minh bạch nhất có thể trong việc chỉ ra cách thức và địa điểm cụ thể để chi tiêu các khoản tiền. Báo cáo cũng khẳng định, các nước phát triển và đang phát triển phải hủy bỏ những hạn chế không tương xứng đối với quyền tự do ngôn luận.
Đại dịch không thể được sử dụng làm cái cớ cho các hoạt động tham nhũng, trong khi các cơ quan và tổ chức nắm quyền giải trình phải hoạt động độc lập và được trao quyền để phát hiện tham nhũng. Hơn nữa, chính phủ ở các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm về vai trò của họ trong việc lấp các lỗ hổng pháp lý và đảm bảo rằng những kẻ tham nhũng không trốn tránh công lý.
Hồng Vy biên dịch