Dồn dập trừng phạt, cấm vận
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây và Nga đã sa vào “cuộc chiến tranh hạt nhân” trừng phạt kinh tế lẫn nhau, gây rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay.
|
Mỹ cân nhắc từ bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, cho phép tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia Đông Âu này. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khoảng thời gian ngắn phát động chiến dịch tại nước láng giềng Ukraine, Moskva đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, hứng chịu hàng ngàn lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ và phương Tây nhắm vào gần như toàn bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga. Không ngoại lệ, một số đồng minh của Mỹ tại châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã sử dụng biện pháp trừng phạt để gây sức ép với Moskva. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc tế cũng quay lưng lại đối với thị trường của Nga khi ồ ạt rút khỏi địa bàn hoặc tạm dừng đầu tư.
Với mục đích tấn công mạnh nhất có thể vào hệ thống tài chính của Nga cũng như cô lập quốc gia này, Nhà Trắng đã áp đặt những lệnh cấm vận sâu rộng chưa từng có tiền lệ. Ngày 11/3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố nước Mỹ sẽ kêu gọi các đồng minh chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, động thái từ bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) sẽ mở đường cho việc tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Đông Âu này.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ.
Trước đó, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như sẽ phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi phụ thuộc nguồn năng lượng Nga.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 10,5 triệu thùng mỗi ngày. Với việc nguồn doanh thu từ lĩnh vực này tương đương 44% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và chiếm 17% tổng doanh thu thuế của chính quyền Nga, đó là lý do vì sao ông Joe Biden khẳng định lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ đồng nghĩa với việc đánh vào "huyết mạch chính" của nền kinh tế Nga.
|
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN |
Cũng trong ngày 11/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ quy chế “tối huệ quốc” về đặc quyền kinh tế và thương mại đối với Nga. Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép của Nga, dừng các khoản đầu tư mới của châu Âu vào ngành năng lượng Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng Nga. Chủ tịch Von der Leyen cho biết EU cũng đang xúc tiến việc đình chỉ các tư cách thành viên của Nga ở các tổ chức đa phương lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Sự phối hợp của Mỹ và các đồng minh thuộc Nhóm Các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khác đã tạo thành đợt trừng phạt thứ tư nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đối mặt với sức ép lớn, Nga liên tục tìm biện pháp đáp trả. Ngày 10/3, quốc gia này thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị đến cuối năm 2022. Theo chỉ thị do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký ban hành, danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới các nước “có hành động không thân thiện” với Moskva. Danh sách này gồm 48 quốc gia, trong đó có Mỹ và các nước EU. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ rút ra khỏi Ủy hội châu Âu, lấy lý do rằng EU và NATO đã lợi dụng vị thế chiếm đa số trong Ủy ban bộ trưởng của Ủy hội châu Âu để làm suy yếu tổ chức này.
Ngoài ra, Thư ký Hội đồng chung của đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, ông Andrei Turchak đã đề xuất quốc hữu hóa các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài hiện ngừng hoạt động ở nước này. Nhiều tập đoàn của phương Tây đã đóng cửa các nhà máy, tạm dừng hoạt động kinh doanh ở Nga hòng gây sức ép lên Điện Kremlin để dừng chiến dịch quân sự của Moskva tại nước láng giềng Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine là điều cần thiết để đảm bảo an ninh cho Nga sau khi Mỹ mở rộng hoạt động của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến sát biên giới Nga, cũng như ủng hộ Chính quyền Kiev. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố nhìn nhận các biện pháp cấm vận của phương Tây là một lời tuyên chiến đối với Moskva.
Ngày 9/3, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định lại lập trường của Tổng thống Putin cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây là một hành động thù địch làm chao đảo thị trường toàn cầu. Ông Peskov cảnh báo thị trường năng lượng đang rơi vào tình thế hỗn loạn không thể đoán định.
Phản ứng với tuyên bố của Điện Kremlin, Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Daleep Singh cho hay: “Như chúng tôi đã nói, nếu xung đột leo thang thì cái giá phải trả cũng sẽ như vậy. Tôi sẽ không gọi đó là một cuộc chiến tranh kinh tế. Đây là cách thể hiện quyết tâm của chúng tôi".
Ngày 10/3, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết căng thẳng tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao và buộc thể chế này sẽ phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới vào tháng tới.
Cuộc bầu cử sít sao nhất lịch sử Hàn Quốc
Rạng sáng 10/3, ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) đối lập đã giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử sít sao nhất lịch sử quốc gia này. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin ông Yoon Suk-yeol nhận được 48,6% số phiếu ủng hộ so với mức 47,8% của ứng cử viên Lee Jae-myung. Chiến thắng của ông Yoon là vô cùng sít sao bởi khoảng cách chênh lệch giữa hai ứng cử viên chỉ là 0,8%.
|
Ông Yoon Suk-yeol sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Yoon Suk-yeol sẽ nhậm chức vào tháng 5 tới và giữ cương vị người đứng đầu của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới trong nhiệm kỳ 5 năm. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, cựu công tố viên Yoon Suk-yeol khẳng định sẽ tôn trọng hiến pháp và quốc hội, đồng thời cam kết hợp tác với các đảng đối lập vì lợi ích chung của nhân dân khi ông lên nắm quyền điều hành.
Trên phương diện đối ngoại, ông Yoon cam kết hiện thực hóa hòa bình và an ninh bền vững trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông hứa hẹn đưa ra tất cả các biện pháp khả thi để nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ trên bán đảo với sự hợp tác của Mỹ. Ông tuyên bố sẽ củng cố liên minh chiến lược toàn diện giữa Seoul và Washington, đồng thời cam kết tích cực thúc đẩy ngoại giao an ninh kinh tế. Ngoài ra, ông cũng cam kết xây dựng mối quan hệ với Bắc Kinh dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời mở rộng hợp tác mối quan hệ với Moskva.
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sinh ngày 18/12/1960, là cựu sinh viên trường Đại học Quốc gia Seoul. Ông là luật sư, chính trị gia và cựu công tố viên. Ông Yoon Suk-yeol nguyên là tổng công tố tối cao và đã xây dựng hình ảnh là nhân vật dám đương đầu với những sai phạm trong chính quyền. Giương cao khẩu hiệu chống tham nhũng, ông đã thu hút được một số lượng lớn cử tri muốn thay đổi và tạo ra luồng gió mới cho xã hội Hàn Quốc.
Dù là “người mới” trên chính trường, song ông Yoon Suk-yeol từng thu hút sự chú ý của công chúng với tư cách là một công tố viên phục vụ các cuộc điều tra không khoan nhượng đối với một số vụ bê bối tham nhũng của những nhân vật nổi tiếng nhất đất nước.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức