Thủ tướng Anh kêu gọi ủng hộ thỏa thuận Brexit

Nhằm cứu vãn tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã viết thư kêu gọi công chúng xứ sở sương mù ủng hộ thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU.

Trong thư gửi toàn thể người dân được đăng trên các kênh truyền thông Anh, Thủ tướng May khẳng định, thỏa thuận Brexit nhằm phục vụ lợi ích của Anh và toàn bộ người dân, bất kể cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Anh “rời đi” hay “ở lại” EU trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở nước này vào tháng 6/2016. Theo Thủ tướng May, việc Anh ra khỏi EU ngày 29/3/2019 sẽ đánh dấu chương mới trong đời sống cả nước, khi mọi người dân có thể gạt sang một bên câu hỏi “rời đi” hay “ở lại” để tập hợp thành một khối đoàn kết, thống nhất; tuy nhiên, trước hết, cần phải vượt qua trở ngại là thông qua được thỏa thuận Brexit. Bà May cũng nêu rõ, đây là thỏa thuận cho một tương lai tương sáng hơn, giúp Anh nắm bắt các cơ hội ở phía trước. Thủ tướng Anh cho biết, sẽ vận động bằng cả “con tim và khối óc” để thỏa thuận Brexit được Nghị viện Anh thông qua. Với việc hoàn tất thỏa thuận Brexit, Chính phủ có thể tập trung vào các vấn đề như kinh tế, chăm sóc sức khỏe và xây dựng nhà cửa, bà May cho biết thêm.

 

Lá thư của bà May được công bố ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Anh - EU ngày 25/11 ở Brussels, nhằm phê chuẩn thỏa thuận về việc Anh rút khỏi EU. Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về tuyên bố chính trị định hình quan hệ tương lai giữa Anh - EU sau Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng khuyến nghị, EU nên phê chuẩn thỏa thuận Brexit, nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi của công dân EU sống, làm việc và học tập tại Anh; tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland; Anh tiếp tục thanh toán cho ngân sách EU trong giai đoạn chuyển tiếp và bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý. Theo ông Donald Tusk, đây là thỏa thuận tốt nhất mà hai bên có thể tìm được sau 2 năm đàm phán khó khăn.

Ngày 24/11 vừa qua, EU cũng kịp thời dỡ bỏ trở ngại cuối cùng có nguy cơ khiến Hội nghị Thượng đỉnh lần này thất bại, khi Anh và Tây Ban Nha đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp Gibraltar. Bà May cho biết, Chính phủ Anh và Chính phủ Tây Ban Nha sẽ đối thoại trực tiếp nhằm xác định quy chế tương lai của vùng lãnh thổ Gibraltar, sau khi Vương quốc Anh rời EU. Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez dọa tẩy chay cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/11, nếu không đạt được sửa đổi trong thỏa thuận nhằm bảo đảm Madrid có tiếng nói trong quan hệ tương lai giữa vùng lãnh thổ Gibraltar với EU. Giới quan sát nhận định, dự thảo thỏa thuận Brexit sẽ được 27 nước thành viên EU thông qua không mấy khó khăn.

Thỏa thuận Brexit gồm 585 trang, với những điều khoản ràng buộc pháp lý về việc Anh rời EU, bao gồm “hóa đơn ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng, quyền công dân và bản kế hoạch dự phòng nhằm ngăn chặn việc dựng đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên EU) và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh, trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc.

Cho dù được EU thông qua thì thỏa thuận Brexit vẫn cần vượt qua “cửa ải” Westminster hứa hẹn nhiều chông gai, trong bối cảnh thỏa thuận đang vấp phải chỉ trích từ các chính trị gia ủng hộ Brexit, các nghiệp đoàn ở vùng lãnh thổ Bắc Ireland và những người muốn giữ các quan hệ mật thiết hơn với Liên minh châu Âu.

Dự kiến, Nghị viện Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit vào tháng 12. Các nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập, đảng Dân chủ tự do, đảng Quốc gia Scotland (SNP), đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) đều tuyên bố sẽ bỏ phiếu không ủng hộ thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cảnh báo, nếu thỏa thuận không được phê chuẩn, Anh sẽ đối mặt với hỗn loạn chính trị. Hỗn loạn nảy sinh cũng đồng nghĩa với việc tiến trình Brexit sẽ không xảy ra, ông Hammond cho hay.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều