Thắng lợi quan trọng
Sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng kéo dài 5 tiếng tại số 10 phố Downing ngày 14.11, Thủ tướng May thông báo, Nội các đã phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit và phác thảo tuyên bố chính trị. Theo bà May, đây là quyết định tập thể của Nội các và bước đi mang tính quyết định, cho phép Anh tiến tới hoàn tất thỏa thuận với EU những ngày tới. Giành được sự ủng hộ của Nội các đối với dự thảo thỏa thuận Brexit là thắng lợi chính trị quan trọng với Thủ tướng Anh, trong bối cảnh các đề xuất về Brexit của bà vấp phải phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập và chính những thành viên trong đảng Bảo thủ, những người không ủng hộ Anh ra khỏi EU.
Để đạt được sự đồng thuận với Brussels về dự thảo thỏa thuận Brexit, trọng tâm là kế hoạch ngăn chặn thiết lập đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên EU) và vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh), London đã phải đưa ra những nhượng bộ lớn, gây chia rẽ chính trường Anh. Theo dự thảo thỏa thuận Brexit, Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của EU trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp nhà nước. Ngoài ra, Tòa Tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan đến quyền lợi của công dân EU sinh sống tại Anh. Đổi lại, sau năm 2020, nước này sẽ vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu. Điều này có nghĩa rằng, hàng hóa luân chuyển giữa Anh và EU sẽ không phải chịu hàng rào thuế quan, cho đến khi hai bên ký Hiệp định tự do thương mại mới, hoặc vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, EU cũng phải chấp nhận nhượng bộ khi vẫn giữ toàn bộ Vương quốc Anh ở lại liên minh thuế quan của khối. Bởi ngay từ khi khởi động các cuộc đàm phán về Brexit cách đây 20 tháng, 27 nước thành viên còn lại trong EU giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này. Các nước châu Âu cho rằng, nếu Anh vẫn ở lại liên minh thuế quan thì Brexit là vô nghĩa, khi mà Anh vẫn được hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu trong khi không phải tuân thủ những quy định mang tính trụ cột về tự do di chuyển con người, hàng hóa và dịch vụ nội khối.
Thách thức từ các nhà lập pháp
Sau khi được Nội các Anh thông qua, Thủ tướng Therasa May đã trình dự thảo thỏa thuận Brexit lên Nghị viện Anh, để cơ quan lập pháp xem xét phê chuẩn, chậm nhất trước cuối năm nay. Tuy nhiên, để giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ về dự thảo thỏa thuận là bài toán chính trị phức tạp. Trước hết, bà May cần thuyết phục đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) ủng hộ dự thảo. Tuy chỉ có 10 thành viên trong Nghị viện Anh, nhưng DUP lại là nhân tố không thể thiếu giúp tạo nên thế đa số cho phe cầm quyền của bà May tại Nghị viện Anh.
Thách thức lớn nhất mà Thủ tướng May phải đối mặt là sự liên kết giữa Công đảng đối lập, đảng Dân tộc Scotland và các thành viên “nổi loạn” trong nội bộ đảng Bảo thủ, nhằm phản đối dự thảo thỏa thuận Brexit. Nhóm “nổi loạn” trong nội bộ đảng Bảo thủ, do cựu Ngoại trưởng Boris Johnson dẫn đầu, kịch liệt chỉ trích kế hoạch Brexit do chính quyền bà May đề xuất, cho rằng đây là sự chệch hướng của quá trình Brexit. Nhiều ý kiến kêu gọi phế truất bà May và tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, hoặc thậm chí kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit. Trong khi đó, đảng Dân tộc Scotland cũng muốn nhân cơ hội bất đồng về Brexit để khơi dậy tham vọng tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân về việc tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May thừa nhận, từ nay đến cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Việc dự thảo thỏa thuận Brexit có vượt qua được những trở ngại cuối cùng hay không sẽ quyết định kết quả của cả quá trình đàm phán gian nan giữa London - Brussels suốt 20 tháng qua. Trước đó, chia sẻ trên tờ The Sun, bà May cho rằng, Brexit là sự thay đổi lớn nhất về mặt thể chế đối với nhiều thế hệ. Việc rút khỏi hàng loạt hiệp định, thỏa thuận và luật pháp ràng buộc hơn 40 năm qua là thách thức lớn đối với bất kỳ quốc gia nào trong mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, do chưa từng có quốc gia nào rời EU trước Anh, nên cả London và Brussels đều lúng túng trong đàm phán nhằm bảo đảm quá trình Brexit không gây xáo trộn đáng kể.
Thủ tướng May thừa nhận, những lựa chọn đặt ra với Anh rất khó khăn, nhất là vấn đề Bắc Ireland. Tuy nhiên, thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất cho đất nước và người dân Anh. Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát đối với các đường biên giới, hệ thống luật pháp và tài chính, trong khi bảo vệ việc làm, an ninh và sự thống nhất của vương quốc. Bà May tuyên bố: “Vạch đích đã trong tầm mắt”.
Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân