Tổ chức Minh bạch Quốc tế yêu cầu EU dứt khoát với chương trình 'hộ chiếu vàng'

Tổ chức Minh bạch Quốc tế ngày 26/8 đã đề nghị Ủy ban châu Âu có động thái dứt khoát với chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) còn được biết đến với cái tên “hộ chiếu vàng” của các nước thành viên trong khối.
 

Khi mang hộ chiếu Cyprus, một cá nhân có thể di chuyển, sinh sống và làm việc tại 27 quốc gia châu Âu. Ảnh: Reuters

Trước đó, kênh Al Jazeera (Qatar) đã tiến hành điều tra và đưa ra Hồ sơ Cyprus - hàng loạt dữ liệu cho thấy trong khoảng thời gian từ 2017-2019 có trên 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn 2,5 triệu USD để họ và gia đình có thêm hộ chiếu Cyprus.

Trong số này có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia. Một ví dụ là khi mua hộ chiếu Cyprus năm 2019, cựu lãnh đạo tập đoàn Gazprom - Nikolay Gornovskiy đang nằm trong danh sách truy nã của Nga vì tham nhũng.

Với khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD, một cá nhân có thể trở thành công dân Cyprus đồng nghĩa với việc là công dân EU và được di chuyển, sống và làm việc tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các nhà điều tra của Al Jazeera còn nhận diện được một số cá nhân nhận hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị khởi tố tại quê hương.

Điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Cyprus có sơ hở đối với hành vi rửa tiền và tham nhũng. Hồ sơ Cyprus còn là bằng chứng cho thấy các nước thành viên EU chưa cải tổ đủ đối với chương trình đầu tư nhận quốc tịch để tránh việc bị lợi dụng.

Trong tháng 3, Cyprus thậm chí còn kêu gọi thực hiện song song các hoạt động phê duyệt đơn xin đầu tư nhận quốc tịch nhằm giảm thời gian hoàn thành thủ tục. Điều này gây thêm rủi ro cho khả năng xét duyệt đơn một cách chu tất.

Bà Laure Brillaud tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU nhận định: “Đã hơn 2 năm kể từ khi bê bối đầu tiên liên quan đến chương trình đầu tư nhận quốc tịch xuất hiện. Chúng ta vẫn chờ đợi Ủy ban châu Âu đưa ra cam kết và ngừng biến nơi đây thành thiên đường cho tham nhũng và tội phạm”.

Năm 2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra báo cáo về rủi ro tham nhũng đối với chương trình đầu tư nhận quốc tịch. Theo đó, chương trình này mở các cánh cửa tại châu Âu cho tội phạm.

Tháng 3/2019, Nghị viện châu Âu kêu gọi ngưng mọi chương trình đầu tư nhập quốc tịch và còn nêu tên Cyprus, Malta vì xét duyệt đơn chưa cẩn thận.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều