Trái đất mất 28 nghìn tỷ tấn băng trong 23 năm qua

Một nhóm các nhà khoa học Anh phát hiện ra một khối băng nặng 28 nghìn tỷ tấn đã biến mất khỏi bề mặt Trái đất kể từ năm 1994.
 

Tảng băng nhỏ còn sót lại trong vịnh băng hẹp trong hẻm núi ở Southern Greenland. Ảnh: Getty Images.

Các nhà khoa học từ các trường đại học Leeds, Edinburgh và Đại học London đã phân tích các cuộc khảo sát vệ tinh về sông băng, núi và tảng băng từ năm 1994 đến 2017 để xác định tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhóm đã nghiên cứu các cuộc khảo sát vệ tinh về các sông băng ở Nam Mỹ, châu Á, Canada và các khu vực khác; biển băng ở Bắc Cực và Nam Cực; những tảng băng bao phủ mặt đất ở Nam Cực và Greenland; và các thềm băng hình thành từ đất liền Nam Cực ra biển.

 

Những chú chó Husky đã lội qua biển băng trong một chuyến thám hiểm ở Greenland. Ảnh: Getty Images. 

Bài đánh giá của họ đã được xuất bản trên tạp chí Cryosphere Discussions.

Mô tả sự mất mát băng là "đáng kinh ngạc", nhóm phát hiện ra rằng các sông băng và tảng băng tan chảy có thể khiến mực nước biển tăng đột ngột, lên tới một mét vào cuối thế kỷ này.

Giáo sư Andy Shepherd, Giám đốc Trung tâm Mô hình và Quan sát Địa cực của Đại học Leeds, nói với Guardian : “Đặt trong bối cảnh đó, mỗi cm mực nước biển dâng có nghĩa là khoảng một triệu người sẽ phải di dời khỏi quê hương vùng trũng của họ”.

 

Một sông băng tan chảy ở quần đảo Svalbard, Bắc Cực. Ảnh: Getty Images.

Sự mất mát nghiêm trọng của băng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác, bao gồm sự gián đoạn lớn đối với sức khỏe sinh học của các vùng nước Bắc Cực và Nam Cực, đồng thời làm giảm khả năng phản xạ bức xạ mặt trời trở lại không gian của hành tinh.

Các nhà khoa học xác nhận những phát hiện này phù hợp với những dự đoán trong kịch bản xấu nhất do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.

“Trước đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu các khu vực riêng lẻ như Nam Cực hoặc Greenland - nơi băng đang tan chảy. Nhưng đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy tất cả băng đang biến mất khỏi toàn bộ hành tinh ”, Giáo sư Shepherd nói. "Những gì chúng tôi đã tìm thấy đã làm chúng tôi choáng váng".

Nhóm các nhà khoa học viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, phần lớn lượng băng mất đi trên Trái đất là hậu quả trực tiếp của sự nóng lên của khí hậu”.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng không phải tất cả băng bị mất đi trong thời gian đó đều góp phần làm cho mực nước biển dâng. Nhà nghiên cứu Isobel Lawrence của Đại học Leeds cho biết: “Tổng cộng 54% lượng băng bị mất là từ băng biển và từ các thềm băng. “Những tảng băng này nổi trên mặt nước và sự tan chảy của chúng sẽ không góp phần làm mực nước biển dâng. 46% lượng nước tan chảy còn lại đến từ các sông băng và các tảng băng trên mặt đất, và chúng sẽ làm cho mực nước biển dâng cao hơn”.

 

 Nước chảy ra từ sông băng Boyabreen ở Fjaerland, Na Uy. Ảnh: Getty Images.

Phát hiện này được đưa ra một tuần sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio phát hiện ra rằng tảng băng của Greenland có thể đã vượt ngưỡng có thể phục hồi.

Theo các nhà nghiên cứu, tuyết rơi bổ sung cho các sông băng mỗi năm không còn có thể theo kịp tốc độ băng tan, có nghĩa là băng ở Greenland sẽ tiếp tục mất băng ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu ngừng tăng.

Băng Greenland là khối băng lớn thứ hai thế giới.

Trong một thông cáo báo chí, nữ Tiến sĩ Michalea King, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Địa cực thuộc Đại học Bang Ohio, tác giả chính cho biết: “Những gì chúng tôi đã tìm thấy là băng tan ra đại dương vượt xa lượng tuyết tích tụ trên bề mặt của tảng băng”.

Theo một nghiên cứu của NASA, 2010-2019 là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận.

Theo HỒNG LÊ / Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều