Trí tuệ nhân tạo và những thách thức đối với hoạt động báo chí hiện nay

(Mặt trận) - Báo chí sẽ tồn tại như thế nào khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc liệu ngành báo chí có thể điều chỉnh mô hình hoạt động của mình cho phù hợp với kỷ nguyên AI hay không. AI mang đến cơ hội hỗ trợ thu thập, phân tích thông tin và tự động hóa, nhưng cũng đặt ra thách thức về đạo đức, độ tin cậy và tính khách quan. Để duy trì vai trò của mình, ngành báo chí cần không ngừng đổi mới, nâng cao kỹ năng công nghệ và áp dụng các biện pháp quản lý thông minh.
 AI đang tạo ra những thách thức đối với hoạt động báo chí. ẢNH: DEEP BRAIN

Trong gần hai thập kỷ qua, khi các tập đoàn công nghệ như Apple, Amazon, Google, Meta và Microsoft đã trở thành những công ty có giá trị nhất thế giới, Hoa Kỳ đã gặp phải tình trạng mất đi 1/3 số tờ báo và 2/3 số lượng nhà báo. Điều này làm tăng sự thiếu hụt thông tin đáng tin cậy và đa dạng trong môi trường truyền thông, và trí tuệ nhân tạo không thể hoàn toàn thay thế được vai trò của con người trong việc tạo ra nội dung phản ánh sự đa dạng và sâu sắc của xã hội.

Chỉ riêng trong năm 2023, ngành báo chí Hoa Kỳ đã cắt giảm 2.700 việc làm và trung bình mỗi tuần có 2,5 tờ báo đóng cửa. Mặc dù, lưu lượng truy cập vào 46 trang tin tức hàng đầu tăng 43% trong thập kỷ qua, nhưng doanh thu của họ lại giảm đi 56%. Sự thống trị của một vài tập đoàn công nghệ tư nhân có trụ sở tại Thung lũng Silicon trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số, xuất bản, dữ liệu, đám mây và tìm kiếm đã gây suy thoái các mô hình kinh doanh báo chí trên toàn thế giới. Và bây giờ, AI một lần nữa gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mô hình kinh doanh này.

Những tiến bộ nhanh chóng của AI đang trở thành công cụ hữu ích để một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh mở rộng và củng cố vị trí trên thị trường vốn họ đã thống trị. Điều này sẽ gây khó khăn nếu không muốn nói là không thể đối với các lĩnh vực như báo chí và các ngành công nghiệp sáng tạo để duy trì tính độc lập, chưa nói đến việc duy trì định hướng lợi ích công như trường hợp của ngành tin tức.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu xung quanh việc tích hợp AI trong báo chí là tác động tới tính độc lập trong biên tập. Khi các phòng biên tập tin tức ngày càng phụ thuộc nhiều vào các thuật toán AI để tạo, lựa chọn và phân phối nội dung thì nguy cơ các nội dung biên tập bị thao túng bởi những thành kiến vốn có trong các thuật toán này ngày càng rõ ràng hơn. Hơn nữa, bản chất không rõ ràng của quá trình ra quyết định do AI hỗ trợ có thể làm mờ ranh giới giữa phán đoán báo chí và quyết định do thuật toán, điều này gây ảnh hưởng đến quyền tự chủ của biên tập viên.

 Thuật toán AI tạo ra tin tức nhanh chóng. ẢNH: REUTERS INSTITUTE

Các thuật toán AI được đào tạo dựa trên các bộ dữ liệu khổng lồ có chứa đựng những thành kiến xã hội sẽ có xu hướng duy trì và khuếch đại những định kiến đó trong nội dung báo chí. Cho dù trong hệ thống xử lý ngôn ngữ, nhận dạng hình ảnh hay đề xuất nội dung, AI đều có thể vô tình mã hóa và truyền bá những thành kiến liên quan đến chủng tộc, giới tính, tôn giáo và tình trạng kinh tế - xã hội… Do đó, điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với nguyên tắc công bằng trong báo chí, vì nội dung do AI sản xuất có nguy cơ củng cố sự bất bình đẳng mang tính hệ thống hơn là giảm thiểu chúng.

Trong thời đại những thông tin sai lệch hoành hành gây xói mòn niềm tin của người dân vào các tổ chức báo chí. Mặc dù các công cụ xác minh và kiểm tra tính xác thực bằng AI mang lại giải pháp hứa hẹn cho vấn đề trên, thì việc phổ biến bừa bãi nội dung do AI tạo ra mà thiếu sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ biên tập lại làm giảm uy tín của các tổ chức phát hành tin tức. Nhận thức về tính minh bạch trong báo chí không chỉ xoay quanh tính chính xác của thông tin, mà còn phụ thuộc vào trách nhiệm giải trình quá trình mà thông tin đó được tạo ra và phổ biến.

Xu hướng tự động hóa và tối ưu hóa của AI có nguy cơ đẩy yếu tố con người ra ngoài rìa trong quá trình đưa tin tức. Khi các hãng truyền thông, báo chí ngày càng ưu tiên tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí thông qua các quy trình sản xuất nội dung do AI điều khiển có nguy cơ làm mất tính nhân văn của báo chí do việc thiếu đi hiểu biết sâu sắc về ngữ cảnh và sự đồng cảm mà các nhà báo mang lại. Việc mất đi tính nhân văn trong các tác phẩm báo chí làm giảm đi sự phong phú và tính chân thực của các câu chuyện báo chí, đồng thời khó có thể gắn kết độc giả với ý nghĩa của các câu chuyện vốn định hình thế giới của họ.

Trong kỷ nguyên AI, các phóng viên, nhà báo có thể cần phải thành thạo việc phân tích dữ liệu, học máy và các kỹ năng mang tính kỹ thuật để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường việc làm. Một tác động tiềm tàng khác đó là sự hợp nhất trong ngành truyền thông. Các công ty truyền thông lớn sở hữu nguồn lực để đầu tư vào công nghệ tin tức do AI tạo ra có thể chiếm lợi thế hơn so với các công ty nhỏ không đủ tiềm lực đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự tập trung quyền lực trong ngành truyền thông, ít công ty kiểm soát lượng lớn nội dung tin tức.

Mặc dù có nhiều mối lo ngại và thách thức đặt ra đối với ngành truyền thông, báo chí, nhưng một điểm quan trọng cần lưu ý đó là tin tức do AI tạo ra không nhằm mục đích thay thế các nhà báo truyền thống. Tin tức do AI tạo ra có thể kịp thời và chính xác, nhưng nó thiếu khả năng sáng tạo, sự đồng cảm và khả năng tư duy phản biện mà con người sở hữu. Không giống như các nhà báo, AI không thể vào phòng xử án hoặc phỏng vấn một bị cáo sau song sắt, hay dũng cảm đưa tin tức nơi tiền tuyến. Hơn nữa, nếu không có quyền truy cập vào các nội dung chất lượng cao được tạo ra bởi con người thì các mô hình cơ bản đóng vai trò nền tảng cho các ứng dụng học máy và AI sẽ gặp sự cố, xuống cấp, thậm chí có khả năng sụp đổ, khiến toàn bộ hệ thống gặp rủi ro. Các nhà báo vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng để thực hiện các cuộc phỏng vấn, viết các bài phân tích và cung cấp bối cảnh cho các câu chuyện tin tức.

 Các phóng viên, nhà báo cần thành thạo các kỹ thuật và công nghệ. ẢNH: KOMPAS

Nhìn chung, tác động tiềm tàng của tin tức do AI tạo ra đối với hoạt động báo chí truyền thống vẫn chưa chắc chắn. Mặc dù nó có thể dẫn đến mất việc làm ở một số lĩnh vực, nhưng nó cũng có thể tạo ra cơ hội mới cho các nhà báo có kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật. Có thể nói, tác động của AI đối với ngành báo chí sẽ phụ thuộc vào cách nó được triển khai và mức độ mà các công ty truyền thông nắm bắt công nghệ mới này. Một ví dụ điển hình là News Corp Australia - một tập đoàn truyền thông ở Úc đã tạo ra 3.000 bài báo dạng tin tức hàng tuần dưới sự hỗ trợ của AI. Điều này thể hiện một bước đột phá đáng chú ý về sự tiến bộ của AI.

Những câu chuyện do AI tạo ra tập trung vào các chủ đề siêu địa phương (tập trung vào khu vực địa phương), bao gồm cập nhật thời tiết, giá nhiên liệu và báo cáo giao thông. Sự đổi mới này được dẫn dắt bởi Peter Judd - biên tập viên báo chí dữ liệu của News Corp và nhiều bài báo có tên ông trong phần tác giả. Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của nhóm Dữ liệu địa phương nhằm bổ sung nội dung do các phóng viên thực hiện thuộc 75 chủ đề siêu địa phương mà News Corp thực hiện nằm rải rác trên khắp đất nước.

Mặc dù những tin tức báo chí được tạo ra bởi AI nhưng một phát ngôn viên của News Corp đã làm rõ rằng, những tin tức này đều được các nhà báo kiểm duyệt để đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của nội dung. Người phát ngôn cũng nhấn mạnh, nội dung do AI tạo ra chủ yếu đóng vai trò cung cấp thông tin về dịch vụ, cập nhật giá nhiên liệu hàng ngày ở địa phương, cập nhật tình hình giao thông và thời tiết, cũng như thông báo về lễ tang.

Trong Đại hội Truyền thông tin tức thế giới năm 2024 được tổ chức tại Đài Bắc (Đài Loan), Chủ tịch điều hành của News Corp Michael Miller đã nhấn mạnh sức hấp dẫn của tin tức địa phương đã thu hút một lượng đáng kể người đọc trả phí. Ông chia sẻ rằng, 55% tổng số lượt đăng ký đến từ những quảng cáo tiêu đề “siêu địa phương”.

Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo. Một số khác lại tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách. Để đáp ứng yêu cầu này, về mặt nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng ưu tiên kỹ thuật số.

Đồng thời, tòa soạn cần vận hành theo mô hình mở, tăng cường tương tác, chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện và đa nền tảng, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo. Về công nghệ, cần phát triển mô hình tòa soạn báo chí công nghệ cao, tăng cường đầu tư vào trang thiết bị và kỹ sư công nghệ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, đồng thời đa dạng hóa nguồn thu từ quảng cáo nội dung và tổ chức sự kiện để tái đầu tư và phát triển.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều