|
Trang trại điện gió ngoài khơi ở Pháp. (Ảnh: REUTERS)
|
“Thời kỳ phục hưng của nhiên liệu hóa thạch” là cụm từ nhiều chuyên gia sử dụng khi nhắc đến tình trạng tiêu thụ than đá trong sản xuất năng lượng hiện nay. Mặc dù than đá là loại nhiên liệu gây ô nhiễm và nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu, song chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như thời gian qua.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2022, thế giới tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013. Giám đốc phụ trách các thị trường và an ninh năng lượng tại IEA Keisuke Sadamori nhận định, thế giới đang tiến gần đến mức đỉnh điểm về tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2022, thế giới tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Vì vậy, một trong những chìa khóa quan trọng để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành công là giảm sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng.
Tuy nhiên, con số kỷ lục hơn 8 tỷ tấn than nêu trên đang khiến việc đạt được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng nhiệt của Trái đất ngày càng xa tầm với. Đáng lo ngại là nhu cầu tiêu thụ than đá trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì cho đến năm 2025, nếu các nước không tăng tốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
IEA nhận định, nguyên nhân chính gây ra “cơn sốt” sử dụng than đá thời gian qua là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Giá khí đốt tăng cao trong khi nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến nhiều quốc gia buộc phải giải tỏa cơn khát năng lượng bằng việc tăng cường tỷ lệ sử dụng than đá. Tại châu Âu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng năng lượng, mức tiêu thụ than trong năm 2022 đã tăng năm thứ hai liên tiếp, lên mức kỷ lục 478 triệu tấn. Nhiều nước châu Âu đã khởi động lại hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than.
Theo một số chuyên gia, việc quay trở lại sản xuất năng lượng từ than đá có thể khiến các nước bỏ lỡ mục tiêu về khí hậu.
Tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende mới đây cho biết, trong năm 2022, Đức đã bỏ lỡ mục tiêu giảm khí thải CO2 mặc dù tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tăng mạnh. Theo đó, năm 2022, nền kinh tế đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) đã phát thải khoảng 761 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chỉ ít hơn một tấn so với năm trước đó và vượt quá mục tiêu 756 triệu tấn.
Theo một số chuyên gia, việc quay trở lại sản xuất năng lượng từ than đá có thể khiến các nước bỏ lỡ mục tiêu về khí hậu.
Agora Energiewende nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến bỏ lỡ mục tiêu này là do cuộc khủng hoảng năng lượng đã thúc đẩy Đức quay trở lại sử dụng nhiều than và dầu hơn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nhiều lần nhấn mạnh, việc quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch là biện pháp khẩn cấp trong ngắn hạn và Berlin vẫn cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu. Đức tiếp tục theo đuổi mục tiêu loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện vào năm 2030 và trung hòa khí thải các-bon vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được, Đức và các nước cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ triển khai các dự án năng lượng xanh.
Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đặt ra nhiều thách thức song cũng là cơ hội để thế giới giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp các nước giải tỏa cơn khát năng lượng mà còn bảo đảm đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo Mai Hoa/Báo Nhân dân