|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, mở đầu bài viết, tác giả Chinappi nêu khái quát bối cảnh diễn ra đồng thời các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 24, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9. Từ đó, bài viết nhận định các hội nghị đã tập trung giải quyết những vấn đề có tầm quan trọng quốc tế như phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với 4 nước đối tác hàng đầu ngoài khu vực hay tình hình tại Myanmar.
Bài viết trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh hai đề xuất quan trọng của Việt Nam về những nhiệm vụ trọng tâm mà ASEAN cần thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”. ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, bài viết dẫn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tất cả các nước ASEAN đều mong muốn xây dựng môi trường khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung chống đại dịch, khôi phục và phát triển kinh tế; nhấn mạnh sự cần thiết ủng hộ đoàn kết và các giá trị cốt lõi của hiệp hội trong 54 năm qua, với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các nước thành viên.
Nội dung thảo luận tại các hội nghị liên quan vấn đề Biển Đông cũng được tác giả Chinappi đề cập cụ thể trong bài viết. Theo đó, quan điểm các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); nhấn mạnh cần duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán và nỗ lực hướng tới COC ràng buộc, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về hợp tác ngoài khu vực, bài viết dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN là chìa khóa ưu tiên trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường (NSPP) của nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bày tỏ hy vọng tăng cường hợp tác thúc đẩy hồi phục kinh tế, đồng thời nhất trí phối hợp tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden tái cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ASEAN - Mỹ đối với tương lai của ASEAN cũng như đối với an ninh, thịnh vượng của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, chuỗi các sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN trong năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra từ ngày 26 - 28/10 với sự chủ trì của Quốc vương Brunei Hasanal Bolkiah, Chủ tịch ASEAN trong năm nay.
Theo Trường Dụy (TTXVN)