Kế hoạch được đưa ra sau nhiều áp lực lớn từ Italy và Tây Ban Nha - những nước đầu tiên chịu tác động của đại dịch cũng như phải gánh chịu các khoản nợ lớn nhằm tái thiết nền kinh tế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 27/5 công bố đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro cho các nước thành viên. Ảnh: BBC
Theo đề xuất, Italy sẽ được viện trợ trực tiếp 81,8 tỷ euro trong 3 năm tới, trong khi Tây Ban Nha sẽ nhận được 77,3 tỷ euro. Ngoài ra, Italy và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro. Ngoài 650 tỷ hỗ trợ và cho vay, EU cũng dành 100 tỷ euro cho các chương trình giải cứu.
Tuy nhiên, để được thông qua, đề xuất này cần phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên. Hiện vẫn còn 1 số quốc gia trong châu Âu đã phản đối đề xuất này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen kêu gọi các thành viên EU hãy gạt ra các định kiến của mình và ủng hộ chiến lược phục hồi chung.
“Ngày mai, cái giá của việc không hành động chống khủng hoảng sẽ còn đắt hơn nữa. Đây là việc làm đặt nền móng cho tương lai của chúng ta, là phản ứng rõ ràng và thích hợp cho 1 cuộc khủng hoảng. Giờ đây chúng ta hãy gạt đi các định kiến cũ”, bà Leyen nói.
Ngay khi đề xuất được công bố, Thủ tướng Italy Conte đã gọi đó là “một tín hiệu tuyệt vời từ Brussels”. Theo ông, 500 tỷ euro trợ cấp và 250 tỷ euro cho vay là 1 đề xuất công bằng.
Còn với Chính phủ Tây Ban Nha, đề xuất của Ủy ban châu Âu sẽ là một nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tây Ban Nha hoan nghênh đề xuất này, coi đó là lời đáp cho “rất nhiều trong số các đề nghị của nước này”.
Theo Đình Nam/VOV1 (biên dịch)