Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) định nghĩa tham nhũng như là: “lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô”. Tham nhũng gần như là một loại tội phạm có tổ chức. Buôn lậu ma túy, buôn bán người, rửa tiền, buôn bán vũ khí trái phép đều có mối liên hệ tới tham nhũng. Nó xảy ra trong những khu vực tư nhân cũng như công cộng và ở mọi tầng lớp xã hội. Trong thời đại quốc tế hóa ngày một sâu rộng, tham nhũng không chỉ dừng lại ở vùng biên giới mà nó còn di chuyển nhanh chóng và dễ dàng như việc chuyển khoản ngân hàng vậy.
Đối với hàng triệu người châu Á, tham nhũng là một thực tế của cuộc sống hàng ngày. Để thuê một gian hàng trên thị trường, xin giấy phép hoặc đăng ký cho một đứa trẻ đi học, người ta thường phải hối lộ. Những nhu cầu đó đã làm tăng chi phí cho hầu hết các giao dịch, tạo thêm gánh nặng một cách không cân đối cho người nghèo. Phần lớn, người nghèo ngày càng nghèo hơn bởi vấn nạn tham nhũng.
Số tiền hối lộ lũy kế đã được UNDP và các cơ quan khác ước tính từ 30 đến 45 phần trăm ngân sách nhà nước hàng năm ở một số nước châu Á. Đây là số tiền dành cho các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, cải thiện nguồn nước và các cơ sở giáo dục cho người dân.
Trong vòng một năm trước, khoảng 72 trong số 158 quốc gia, vùng lãnh thổ được nhóm giám sát quốc tế của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) điều tra bị phân loại là quốc gia “tham nhũng”, hiện nay 74 trong tổng số 163 quốc gia, vùng lãnh thổ rơi vào cùng nhóm này. Một số ít các quốc gia, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, đã cố gắng tự giải phóng mình ra khỏi nhóm thực sự tham nhũng, trong khi những nước khác, đặc biệt là Iran đã tự nhấn sâu mình vào nhóm đó.
Trong những năm gần đây, vấn đề tham nhũng đã phủ bóng đen lên chương trình nghị sự của các nước châu Âu. Hội đồng Châu Âu kêu gọi Bồ Đào Nha cần tăng cường phòng, chống tham nhũng đối với các nghị sĩ, thẩm phán và công tố viên. Ảnh: Theportugalnews
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã đưa ra một chỉ số từ 0 đến 10, bao gồm các cuộc điều tra của các chuyên gia, các nhà định hướng dư luận, các cán bộ kinh doanh và các nhà giám sát nhân quyền đang sống, làm việc hoặc đi du lịch nhiều nơi tại mỗi quốc gia được xếp loại. Chỉ số càng cao, thì đất nước đó càng ít tham nhũng. Đứng vị trí thứ nhất trong năm nay, với chỉ số CPI 9,6 là Phần Lan, Iceland và New Zealand. Ở dưới cùng với điểm số 1,8 là Haiti.
Rõ ràng là những người theo dõi sự suy thoái và dòng chảy tham nhũng trên toàn thế giới đều thừa nhận rằng, bảng xếp hạng này là vô cùng chủ quan và bản chất của tham nhũng, đặc biệt ở các nước tham nhũng nghiêm trọng nhất là có những khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, tất cả đều có cùng một đặc điểm. Laurence Cockroft, một quan chức cao cấp của TI, nói rằng: “Bạn đang đối mặt với các xã hội nơi mà nạn tham nhũng xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày. Hầu hết chúng ta không cảm nhận được nó trong cuộc sống hàng ngày của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng khi chỉ số mà TI đưa ra xuống dưới 3 hay dưới 5, bạn sẽ có một suy nghĩ khác.”
Chỉ số dưới 5 có 119 trong tổng số 163 quốc gia, bao gồm các quốc gia như Ý, Hy Lạp, Nam Phi, Brazil và Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng trên thang đo của TI, có khoảng 47 quốc gia dưới chỉ số 3 và cũng có nhiều quốc gia rất gần với giới hạn này.
Tham nhũng có thể diễn ra dưới một loạt các hình thức khác nhau. Nó có thể và thường có liên quan đến cảnh sát và các hệ thống tư pháp, bao gồm cả việc thực hiện các hợp đồng kinh doanh đáng ngờ và các vụ kiện tụng thương mại khác. Nó thường liên quan đến việc chuyển một tỷ lệ phần trăm các khoản tiền từ các dự án quan trọng vào túi của các quan chức cao cấp của Chính phủ hoặc gia đình họ - thường là trong các quá trình hoạt động có hệ thống. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng Belarus là quốc gia châu Âu duy nhất còn tồn tại chế độ độc tài.
Tại Myanmar, tham nhũng diễn ra khá phổ biến. Các khoản thanh toán trợ giúp bất hợp pháp và các khoản phí phi chính thức đều dành cho các dịch vụ cơ bản nhất của Chính phủ. Ảnh: AP
Thật không may, hầu hết nạn tham nhũng đều xảy ra ở các nước mà dân cư ít được trang bị để đối phó với hậu quả nhất - các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Ở Campuchia, nơi 2/3 dân số kiếm được ít hơn 2 đô-la một tháng và 1/3 dân số kiếm được ít hơn 1 đô-la. Theo một quan chức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, một “phần lớn” trong số 500 triệu đô-la đến 600 triệu đô-la tiền viện trợ mỗi năm “bị thất thoát vào các chi phí không chính thức, hệ thống bảo trợ không chính thức, thanh toán “thuận tiện” bất hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân.”
Các khoản thanh toán không theo hóa đơn của tất cả mọi thứ, từ các dịch vụ đơn giản nhất của địa phương đến các cuộc hẹn với các văn phòng cao nhất của quốc gia, đặc biệt là những nơi có sự tiếp cận với lợi nhuận bất hợp pháp lớn nhất, đều là những quy tắc có hiệu lực ở hầu hết các quốc gia được điều tra - đặc biệt là ở châu Phi, Trung Á và khu vực Mỹ Latinh.
Cảnh sát vẫn tiếp tục là nhân tố trung tâm trong nạn tham nhũng ở Haiti, mặc dù vẫn có sự tham nhũng trong hầu hết các cơ quan Chính phủ. Ảnh: AFP
Nhìn chung, theo các quan chức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các quốc gia tham nhũng nặng nề nhất là những quốc gia có “cơ cấu thể chế cực kỳ yếu”. Ví dụ, ở Haiti, Tổng thống Jean-Bertrand Aristide đã chạy trốn khi đứng trước cuộc nổi dậy nội bộ và áp lực quốc tế sau khi ông tìm cách đưa một số đồng minh chính trị của mình vào các vị trí cao nhất trong hệ thống pháp lý. Bên cạnh đó, một lực lượng cảnh sát tham nhũng vẫn còn tồn tại ở khắp nơi trên đất nước, càng khiến Haiti một mình ở đầu ở danh sách các nước tham nhũng nhất.
Một số nước ở khu vực Trung Á được xếp gần vào nhóm dẫn đầu trong số các quốc gia tham nhũng nhất. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Turkmenistan có Luật Chống tham nhũng nhưng chúng không có hiệu quả và nạn tham nhũng thì tràn lan. Đồng thời, khu vực gần Tajikistan chủ yếu dựa vào nền kinh tế buôn bán ma túy. Một báo cáo khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng, “buôn lậu thuốc phiện và heroin lan tràn ở Afghanistan thông qua Tajikistan vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng lâu dài đối với sự ổn định và phát triển của Tajikistan, làm thúc đẩy tham nhũng, tội phạm bạo lực, HIV/AIDS và biến dạng kinh tế.”
Tại một số quốc gia ở Nam Mỹ, cảnh sát được coi là tổ chức tham nhũng nhất, tiếp đến là các đảng chính trị thường xuyên sử dụng cảnh sát cho mục đích chính trị. Ảnh: Bloomberg
Một quan chức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, Venezuela rơi vào danh sách các nước tham nhũng nhất với việc chuyển lực lượng cảnh sát quốc gia từ một cơ quan chống tội phạm chuyên nghiệp trước kia thành một tổ chức được sử dụng rộng rãi cho các vấn đề chính trị. Kết quả dẫn đến sự sụp đổ của các cơ chế kiểm soát, đây cũng là đặc điểm chính của các chính quyền ở nhiều quốc gia trong danh sách các nước tham nhũng nhất. Hơn nữa, theo TI, ở Venezuela, thu nhập đáng kể từ dầu mỏ quốc gia đã đi thẳng vào túi của giám đốc điều hành. Một viên chức của TI nói rằng: “Đó gần như là tiền bỏ túi. Một phần lớn thu nhập, chúng tôi đang nói đến hàng triệu đã được sử dụng theo cách không được kiểm soát.”
Tại Angola, một lượng lớn tiền mặt từ việc sản xuất dầu mỏ cũng đã chảy vào túi các quan chức cao cấp của Chính phủ. Ảnh: The New York Times
Trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất, năm nay Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 20 từ vị trí thứ 17 vào năm ngoái, trong khi Pháp, Bỉ, Iceland và Nhật Bản nhảy vọt qua Mỹ trong bảng xếp hạng. Trong 10 nước ít tham nhũng nhất trên thế giới và hầu như không thay đổi, là Phần Lan, Iceland và New Zealand, dẫn đầu là Đan Mạch, Singapore và Thụy Điển.
Hơn nữa, dường như đã có một số cải thiện trong cơ chế chống tham nhũng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước phát triển hơn. Trong năm qua, các quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Sri Lanka và Úc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng. Tuy nhiên, Nhật Bản, đứng thứ 17 trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới và Hàn Quốc, đứng thứ 42 trong số các nước ít tham nhũng nhất, đã không phê chuẩn Công ước này.
Đã có một số hoài nghi về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc của Bangladesh, quốc gia tham nhũng đứng thứ 8 trên thế giới, mặc dù có một số hy vọng rằng sự chiếm giữ quyền lực gần đây của chính quyền quân sự có thể giúp đất nước này vượt qua vấn đề tham nhũng tại đó. Theo tờ New York Times, khoảng 40 giám đốc điều hành doanh nghiệp và công chức nước này đã bị bắt giữ trong một vụ truy quét chống tham nhũng, trong đó những chiếc siêu xe và các loài động vật quý hiếm đã bị tịch thu trong các cuộc khám xét.
Một quan chức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã quan sát thấy rằng, một số nước như Nhật Bản, không phê chuẩn Công ước bởi “điều đó có nghĩa là bạn phải sắp xếp toàn bộ hệ thống pháp luật để có thể ban hành tất cả các quy định của Công ước”, trong khi những quốc gia khác có nhiều đáng ngờ hơn trong việc dẹp bỏ tham nhũng lại cho rằng Công ước như một tiêu chuẩn của một thành tựu trong tương lai.
Hồng Nhung (Theo Forbes, Japantimes)