Người dân tại Jakarta, Indonesia dọn dẹp sau khi xảy ra ngập úng ngày 3-1. (Ảnh: Antara)
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, MGI cho biết, các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.
Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8-13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Ở Indonesia, khả năng xảy ra mưa lớn có thể tăng từ 3-4 lần vào năm 2050. MGI cũng dự báo TP Hồ Chí Minh có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến một tỷ USD do một trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050, đi kèm với đó là chi phí dây chuyền có thể từ 1,5-8,5 tỷ USD.
Giám đốc MGI Jonathan Woetzel cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo ông Woetzel, châu Á đối mặt với các hiểm họa khí hậu và các tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng, do đó phải rất quan tâm tới việc “đóng vai trò tuyến đầu giải quyết các thách thức này”.
Theo MGI, châu Á có thể có khả năng dẫn dắt nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách tăng cường xem xét những rủi ro của biến đổi khí hậu vào quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Dự kiến, cuối năm nay, MGI sẽ công bố báo cáo nghiên cứu đầy đủ về những thách thức khí hậu của khu vực Đông - Nam Á.
Theo TTXVN