|
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Tờ Moderndiplomacy.eu trụ sở tại châu Âu đăng bài viết “Lộ trình ngăn chặn ô nhiễm nhựa sử dụng một lần ở Việt Nam” dẫn nghiên cứu trên của WB chỉ ra thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam. Theo đó cho rằng phần lớn chất dẻo gây ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam là đồ dùng một lần, có giá trị thấp như túi ni lông, hộp đựng thực phẩm và ống hút. Tại Việt Nam, các dấu hiệu ô nhiễm nhựa cho thấy chất thải nhựa cho đến nay là loại chất thải phổ biến nhất được thu gom ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% về số lượng và 71% về trọng lượng.
Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: “Tăng trưởng kinh tế nhanh, đô thị hóa và lối sống thay đổi ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên toàn quốc. Nghiên cứu này chỉ ra rằng các đồ nhựa sử dụng một lần chiếm một phần lớn tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và giải quyết việc sử dụng chúng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.
Nghiên cứu ước tính khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra biển mỗi năm. Hiệp hội Đối tác hành động quốc gia về Nhựa Việt Nam cho biết lượng nhựa trong các tuyến đường sông có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải hiện tại của Việt Nam không được cải thiện. Bài viết dẫn báo cáo “Hướng tới Lộ trình quốc gia về nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam” của WB đề xuất nỗ lực dần dần để chống lại tình trạng ô nhiễm này thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa, tiến dần từ hạn chế và thu phí đến cấm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy lợi ích của việc loại bỏ dần chất dẻo sử dụng một lần lớn hơn chi phí. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để bù đắp thiệt hại cho người sản xuất, đồng thời chuẩn bị và tạo ra động lực cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp thay đổi hành vi. Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị, trước tiên là hạn chế đồ nhựa dùng một lần trong các cơ sở thực phẩm và trong các sản phẩm vệ sinh của khách sạn, tiếp đó là áp dụng các khoản phí đối với túi nhựa không phân hủy và cốc cà phê mang đi. Sau đó là lộ trình dần dần hướng tới lệnh cấm thị trường đối với ống hút nhựa, túi ni lông khó phân hủy và hộp đựng thực phẩm.
WB cho rằng lộ trình chính sách sẽ giúp thực hiện một nghị định gần đây của Chính phủ Việt Nam được thiết kế để thực thi các vấn đề quản lý chất thải nhựa theo Luật Bảo vệ môi trường.
TTXVN/Báo Tin tức