|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tháng 4/2023.
ẢNH: KỲ ANH
|
Thực tiễn vận dụng quy luật về quan hệ sản xuất trong lĩnh vực đất nông nghiệp ở Việt Nam
Một trong những quy luật kinh tế - chính trị cơ bản do C.Mác phát hiện ra là sự phù hợp, tương thích giữa mức độ xã hội hoá quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Quy luật này đã được chứng minh rất rõ trong thực tiễn ở Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước giữa thập kỷ 1970, với phương châm “tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, chúng ta đã vội vàng tập thể hoá sản xuất nông nghiệp với việc đưa toàn bộ đất nông nghiệp vào các nông trường và các hợp tác xã, thậm chí là hợp tác xã cấp cao. Giai đoạn đó, lao động nông nghiệp chủ yếu là lao động chân tay theo công thức “con trâu đi trước, cái cày đi sau” chỉ phù hợp với mô hình kinh tế hộ gia đình; chưa có cơ khí hoá, công nghiệp hoá hay các tiền đề kinh tế - kỹ thuật khác để tổ chức và phân công lao động tập thể.
Trên thực tế, lúc đó đã xã hội hoá quan hệ sản xuất trong nông nghiệp vượt quá trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp ở nước ta vào thời điểm đó. Việc làm trái quy luật của C.Mác đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Tuy là một nước thuần nông, nhưng năng suất nông nghiệp của các nông trường và hợp tác xã trong những năm 70, 80 luôn rất thấp, sản xuất không đủ ăn và chúng ta phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn nông sản hàng năm để bảo đảm lương thực ở mức tối thiểu. Trong khi đó, phần đất 5% thuộc kinh tế hộ gia đình lại có năng suất cao hơn hẳn, trở thành nguồn bảo đảm lương thực quan trọng cho các gia đình ở nông thôn.
Một trong những chính sách đột phá đầu tiên và rất quan trọng của Đảng ta trong lĩnh vực nông nghiệp khi bắt đầu thời kỳ đổi mới là chuyển đổi kinh tế tập thể sang kinh tế hộ với việc áp dụng “khoán 10” và Chỉ thị “100”. Về bản chất, đây là biện pháp đưa quan hệ sản xuất trong nông nghiệp trở lại tương thích với trình độ sản xuất nông nghiệp ở nước ta vào thời điểm đó. Và chính sách này lập tức phát huy tác dụng. Chúng ta đã nhanh chóng không chỉ tự túc được, mà còn trở thành nước xuất khẩu lương thực vào cuối những năm 1980. Tính đúng đắn của quy luật của C.Mác một lần nữa đã được chứng minh qua thực tiễn.
Một số vướng mắc trong vấn đề đất nông nghiệp hiện nay
Tiến trình cơ khí hoá, công nghiệp hoá và thậm chí là tự động hoá sản xuất nông nghiệp đã và đang làm thay đổi căn bản trình độ lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Sản xuất hàng hoá quy mô lớn đang dần thay chỗ cho phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhu cầu tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ngày càng cao.
Việc duy trì quyền sử dụng đất nông nghiệp theo từng hộ gia đình ngày càng không phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn mới. Một lần nữa, sự thay đổi trình độ sản xuất trong nông nghiệp đang đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi tương thích quan hệ sản xuất trong lĩnh vực này.
Để đáp ứng nhu cầu tích tụ ruộng đất phục vụ cho sản xuất lớn trong nông nghiệp, Nhà nước đã từng bước nới rộng quy định về hạn điền. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế không căn bản vì:
(1) Hạn điền đặt ra giới hạn trên của quy mô sản xuất trong khi lực lượng sản xuất phát triển ngày càng cao, không thể và không nên áp đặt giới hạn;
(2) Tích tụ ruộng đất theo hạn điền về bản chất là tập trung quyền sử dụng đất vào tay một số tư nhân.
Mặt khác, tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đô thị hoá nông thôn cũng làm gia tăng nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng một phần ngày càng lớn đất nông nghiệp để phát triển hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, đô thị mới.
Đền bù, giải phóng mặt bằng trở thành khâu hết sức khó khăn và là điểm nghẽn trong triển khai các dự án này bởi một số bất cập chủ yếu sau đây:
|
Thành phố Cần Thơ bên bờ sông Hậu. Ảnh Quốc Trung |
Một là, chủ đầu tư phải đàm phán, thoả thuận phương thức đền bù với từng hộ riêng rẽ là một tiến trình rất khó khăn, phức tạp, rất mất thời gian; chỉ cần một ít hộ gia đình không đồng ý là cả dự án có thể bị tắc nghẽn. Ngay cả việc đạt được thoả thuận với 70-80% các hộ gia đình cũng là không dễ dàng.
Hai là, việc một số hộ được nhận tiền đền bù nhưng mất đất sản xuất nông nghiệp; những hộ trước mắt được nhận tiền đền bù nhưng lại mất đi sinh kế lâu dài. Tình hình này góp phần tạo ra sự phân hoá trong nội bộ nông dân và gây không ít bất ổn ở nông thôn.
Ngoài ra, do hiệu quả kinh tế thấp của sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ ngày nay, không ít hộ nông dân bỏ hoang ruộng, không canh tác mà chuyển sang các nghề khác, gây không ít lãng phí đất nông nghiệp.
Tất cả những vướng mắc nêu trên là do việc duy trì quyền sử dụng đất theo quy mô hộ gia đình như trước đây đã không còn tương thích với sự phát triển trình độ lực lượng sản xuất trong giai đoạn công nghiệp hoá nông nghiệp, đô thị hoá nông thôn hiện nay.
Có thể thấy chiếc áo “kinh tế hộ” đã trở nên quá chật, trở thành lực cản đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta. Đã đến lúc phải điều chỉnh quan hệ sản xuất nông nghiệp lên một mức cao hơn là kinh tế tập thể cho tương thích hơn với trình độ của lực lượng sản xuất ngày nay.
Kinh nghiệm Trung Quốc và gợi ý chính sách cho Việt Nam
Trung Quốc là một trong số rất ít nước trên thế giới có chính sách ruộng đất tương đồng với Việt Nam. Trong những thập niên qua, Trung Quốc đã thực hiện thu hồi, đền bù, chuyển đổi một số lượng lớn đất nông nghiệp để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, đô thị hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc đã giải quyết khá ổn thoả vấn đề ruộng đất mà không gặp các vướng mắc, trở ngại.
Một trong những bí quyết là do Trung Quốc đã xử lý tốt vấn đề quan hệ sản xuất trong nông nghiệp và nông thôn.
Cùng với sự phát triển trình độ của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, Trung Quốc đã xã hội hoá tương thích quan hệ sản xuất bằng phương thức phát triển kinh tế tập thể kiểu mới ở nông thôn.
Mọi thành viên của các gia đình nông dân ở các thôn, xã được mời tham gia làm cổ đông của các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp cổ phần của thôn, xã đó; các hộ nông dân đóng góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất của mình. Thu nhập của các hộ nông dân chủ yếu từ cổ tức và lương lao động trong hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần. Lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần do các cổ đông bầu chọn.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã chịu trách nhiệm xây dựng phương án và tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng ruộng đất, bảo đảm bố trí việc làm và phúc lợi xã hội cho tất cả các thành viên. Điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất hàng hoá nông nghiệp quy mô lớn ở nông thôn.
Khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ đứng ra thương thảo, nhận tiền đền bù, tiền cho thuê đất để đưa vào quỹ chung; không nông dân nào bị mất đất hay mất việc làm vì doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bố trí công ăn việc làm cho họ.
Mô hình này cũng đã được áp dụng tại một số địa phương ở Việt Nam với việc ra đời nhiều hình thức hợp tác kiểu mới và đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó. Việc tổ chức sản xuất hàng hoá quy mô lớn được triển khai rất thuận lợi do ruộng đất được tích hợp, không còn manh mún, nhỏ lẻ.
Việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng dễ dàng hơn nhiều khi doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra thương thuyết và lợi ích của mọi người dân được bảo đảm do họ vẫn là cổ đông và vẫn được bảo đảm việc làm, thu nhập trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đây là phương án tối ưu vì nó bảo đảm sự tương thích giữa mức độ xã hội hoá quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân có cuộc sống khá giả đồng đều, ổn định ở nông thôn. Vì vậy, chúng ta nên sớm nghiên cứu, tổng kết để mở rộng việc áp dụng mô hình này trong nông nghiệp và nông thôn nước ta, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trần Đắc Lợi - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.