3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

(Mặt trận) - Ngày 20/10, tại Kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Ban biên tập trân trọng đăng toàn văn báo cáo.

BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

(Tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV)

Từ sau kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, tôi xin trình bày trước Quốc hội các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV như sau:

I. TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG, Ý KIẾN CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, cử tri, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống Nhân dân. Trong khi nhiều quốc gia kinh tế tăng trưởng âm, chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới, củng cố hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt nhiều kết quả, ngày càng đi vào chiều sâu; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

1. Công tác phòng, chống dịch COVID-19

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc chủ động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng kinh nghiệm chống dịch và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã kịp thời ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh. Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, biết ơn những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng phòng, chống dịch, nhất là của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên ngành y tế, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở và nhiều lực lượng khác. Đồng bào ta bày tỏ sự xúc động, biết ơn Đảng, Nhà nước, trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, điều kiện hết sức khó khăn nhưng vẫn có các giải pháp bảo hộ công dân, hỗ trợ, đón đồng bào ở nước ngoài về nước, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, tiềm ẩn và đe dọa nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

2. Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

2.1. Về sản xuất -  kinh doanh và đời sống nhân dân

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp để duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cử tri và Nhân dân phấn khởi ghi nhận những quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã ban hành Nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn và tạo cơ chế, chính sách để các khu vực này phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và Nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm, một số nơi còn xảy ra thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng; việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn rất bất cập; hầu hết doanh nghiệp và nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, vận tải; một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp. Ngành công nghiệp mặc dù đã được đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng còn rất khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; hoạt động thương mại và dịch vụ giảm; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp; các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. 

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công; các bộ, ngành, các địa phương đã quan tâm hơn trong giải ngân vốn đầu tư, góp phần tạo việc làm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cử tri và Nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; khẩn trương khắc phục tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả.

2.2. Về văn hóa và giáo dục

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng mừng, có giải pháp phù hợp đối với các hoạt động thể thao, du lịch nhằm thích ứng với điều kiện dịch COVID-19. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân rất bức xúc và phản ánh về tình trạng còn nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng; tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là thanh, thiếu niên; cần sớm có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong Nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường. Ngoài ra, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn. 

2.3. Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm

Cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, việc công khai giá trang, thiết bị y tế trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân rất bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi". Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, điển hình như vụ việc vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nỗ lực chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra, điển hình như vụ ngộ độc liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới; việc bảo đảm an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, trường học, khu công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ; mong muốn các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm hơn nữa đến bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; phí dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh vẫn chưa tăng tương xứng; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn ở một số nơi, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn vẫn diễn ra.

2.4. Về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Cử tri và Nhân dân ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát, xử lý các vi phạm pháp luật về xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn, thiếu đồng bộ; tình trạng xả thải, đổ trộm rác thải ra môi trường vẫn chưa được kiểm soát tốt; an ninh nguồn nước cần được đặc biệt quan tâm hơn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, việc ngăn chặn phá rừng, khai thác gỗ trái phép đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn xảy ra vi phạm ở một số địa phương.

Trước diễn biến khí hậu ngày càng khó lường và cực đoan, tình trạng sạt lở bờ sông, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống Nhân dân, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và địa phương trong việc chủ động thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập; xây dựng kè, đê chắn sóng ở những khu vực xung yếu, cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, dành thắng lợi vụ Hè-Thu, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân phản ánh và lo lắng về vấn đề bảo đảm an toàn hồ, đập, đê chắn sóng ở một số địa phương, mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

2.5. Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, sự quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm giang hồ, xã hội đen và các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao của ngành công an, cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn rất lo lắng, bức xúc về tình trạng tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, giết người dã man; các đường dây cá độ, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi với số tiền rất lớn và tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.   

Cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng về tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không tuân thủ hiệu lệnh giao thông, "chèn ép" nhau trên đường, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp; tiếp tục xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, chết nhiều người. Tình trạng tắc đường, ngập úng, việc lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố vẫn chưa được khắc phục ở các thành phố, đô thị lớn.

 2.6. Về đối ngoại

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực đối ngoại. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công các trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, tạo thêm thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận việc Quốc hội đã phê chuẩn và Chính phủ đã triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước, mong muốn việc triển khai sẽ phát huy hiệu quả tối đa các lợi ích, thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần tạo việc làm và củng cố năng lực cạnh tranh, phục hồi kinh tế sau những tác động hết sức nặng nề từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân, thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa  được triển khai tích cực, kịp thời và hiệu quả.

Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ lập trường, quan điểm và cách thức giải quyết các vấn đề xảy ra trên biển Đông của Đảng, Nhà nước. Cử tri và Nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán, nắm chắc tình hình, diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời, đầy đủ các tình huống trên biển Đông để Nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ lập trường đúng đắn của Nhà nước ta; có biện pháp phòng ngừa chủ động, phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc.    

3. Về xây dựng Đảng và Nhà nước

Cử tri và Nhân dân rất quan tâm theo dõi quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp và các chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việc tổ chức đại hội Đảng các cấp trong thời gian qua nhìn chung đã thành công tốt đẹp. Công tác tổ chức đại hội ở nhiều địa phương, nhiều cấp đã bảo đảm các nội dung, yêu cầu theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là việc đổi mới trong công tác chuẩn bị, tổ chức thảo luận góp ý xây dựng văn kiện và công tác nhân sự đại hội.

Cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý; việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; người đứng đầu nhiều địa phương đã thực hiện tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với Nhân dân để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn và giải đáp những kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, để tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp. 

II. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI, NHÂN DÂN VÀ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm và có 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do vi rút, bệnh bạch hầu. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công. 

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài; ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra. Các cơ quan tư pháp cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, các hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc và tội phạm công nghệ cao, các hành vi vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên.

Thứ năm, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc thực hiện cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều