|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, TS. Tạ Văn Sỹ, Chủ nhiệm đề tài cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, nhiều diễn biến khó lường, tác động tích cực và thách thức đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động tham gia cuộc cách mạng này với việc ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
MTTQ Việt Nam với vị trí, vai trò của mình đã rất nỗ lực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua quá trình hoạch định chủ trương, chính sách liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: các hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của đất nước…
Cùng với đó, Mặt trận các cấp cũng đã tiếp cận, vận dụng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Mặt trận, cụ thể như: trang bị trang thiết bị điện tử thiết kế phòng họp trực tuyến; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, quản lý cán bộ; cải tiến nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử; ứng dụng các trang mạng xã hội trong hoạt động của Mặt trận…
|
Chủ nhiệm đề tài Tạ Văn Sỹ trình bày nội dung đề tài |
Tuy nhiên, Chủ nhiệm đề tài Tạ Văn Sỹ cũng nêu rõ việc MTTQ Việt Nam đang gặp phải những khó khăn trong việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Hệ thống thể chế chưa tạo thuận lợi cho chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng lực cán bộ MTTQ Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp nhận công nghệ; Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp; Cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ quá trình chuyển đổi số, sự tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn nhiều hạn chế; Nhận thức và hành động liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số của một số lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức số chưa cao…
“Về nhân lực, số lượng cán bộ MTTQ Việt Nam được đào tạo về công nghệ thông tin có rất ít, thậm chí nhiều địa phương không có cán bộ về công nghệ thông tin. Về vật lực, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được quá trình chuyển đổi số, kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn rất hạn chế. Nguồn lực sẽ là yếu tố cản trở quá trình tham gia chuyển đổi số cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của MTTQ Việt Nam…”, TS.Tạ Văn Sỹ chia sẻ.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Đề tài đã đề xuất quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc và 6 nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Giải pháp nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và nhân dân trong việc tham gia vào cuộc Cách mạng công nhiệp lần thứ tư ; Giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp uỷ và phối hợp của chính quyền trong việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giải pháp về nguồn lực của MTTQ Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách để phát huy MTTQ tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Giải pháp ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của MTTQ Việt Nam; Giải pháp chuyển đổi số đối với cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
“Các giải pháp này là cơ sở để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa”, TS.Tạ Văn Sỹ nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao nội dung nghiên cứu của đề tài; đồng thời khẳng định, nhóm tác giả đề tài đã xây dựng được các quan điểm và đề xuất các nhóm giải pháp khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng MTTQ Việt Nam trong tham gia vào cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của nhóm đề tài khi chỉ ra thực trạng MTTQ Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình mới.
Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua cũng đã nêu rõ nhiệm vụ: đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc Mặt trận các cấp tham gia vào cuộc cách mạng này chiếm vị trí, vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, MTTQ Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai nhiệm vụ chưa kịp thời. Để khắc phục điều này đòi hỏi sự đổi mới cả về tư duy lẫn hành động, cùng với đó là sự chủ động của hệ thống Mặt trận trong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Việc nghiên cứu MTTQ Việt Nam tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có thêm căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cần thiết để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới, phù hợp với xu thế công nghệ số cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận trong việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, trên cơ sở góp ý của thành viên Hội đồng nghiệm thu, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện nội dung đề tài trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đại loại xuất sắc.
Hương Diệp