7 sự kiện chính trị - xã hội Việt Nam nổi bật năm 2017

Năm 2017, là một năm mang tính chất bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, với lỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân chúng ta đã đạt được những thành tự hết sức đặc biệt. Đây là năm đầu tiên sau 30 năm đổi mới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều vượt mức đề ra. Với những nhiều thành tựu to lớn, toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, năm 2017, được xem là một năm để lại nhiều ấn tượng nổi bật

1. Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Năm 2017, một năm có quá nhiều khó khăn và bất trắc. Kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn. Những bất ổn trong khu vực ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Nhiều năm liên tục tăng trưởng kinh tế đất nước chững lại và có dấu hiệu giảm sút, hạ tầng kinh tế yếu kém, bệnh dịch, thiên tai xẩy ra bất thường để lại những hậu quả nghiêm trọng.

 Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 - Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn.

Thế nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ kiên quyết vươn lên. Thành quả của nỗ lực chung đó là: chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; kiểm soát được lạm phát, thu ngân sách đạt yêu cầu đề ra.

Đặc biệt, trong nhiều năm, lần đầu tiên chúng ta vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra. Trong đó, lần đầu tiên trong 6 năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% vượt mức đề ra là 6,7%. Khác mọi năm, mức tăng trưởng này diễn ra đều theo từng quý; hơn thế, nếu nhiều năm tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào khai khoáng và tín dụng thì năm nay chủ yếu từ xuất khẩu (xuất khẩu đạt 424,87 tỷ USD và sau 10 năm tăng gấp 4 lần), công nghiệp phục hồi, thu hút FDI đạt 36 tỷ USD (cao nhất trong 9 năm qua), VN-Index đạt 970 điểm, tăng 45% sơ với cùng kỳ năm 2016…

2. Tổ chức thành công năm APEC Việt Nam

Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam đã đón khoảng 21.000 vị khách tới dự Hội nghị. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, tuần lễ cấp cao APEC đã đón 11.000 vị khách. Trong đó bao gồm lãnh đạo của 21 nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như: Tổng thống Mỹ Donald Trump; Chủ tịch, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Nga Vladimir Putin; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe…

 

 Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công toàn diện, rực rỡ cả song phương và đa phương - Nguồn: tuyengiao.vn.

Năm APEC Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với 4 ưu tiên: tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với APEC, đã diễn ra 4 chuyến thăm cấp Nhà nước của Trung Quốc, Mỹ, Chile, Canada và 50 cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và các nước tham dự. Qua đó, đã ký 121 thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với các đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công toàn diện, rực rỡ cả song phương và đa phương, đưa tới những định hướng lớn thúc đẩy và gắn kết hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bước vào giai đoạn mới. Những kết quả to lớn và toàn diện của Năm APEC 2017 một lần nữa góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị trí của nước chủ nhà trong quan hệ quốc tế hiện nay.

3. Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI thành công tốt đẹp

Sáng 11-12-2017, đã khai mạc trọng thể Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, với tiêu đề “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng; xây dựng Đoàn vững mạnh; đoàn kết, phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sang tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” của Báo cáo chính trị trình Đại hội. Năm năm qua cùng với những thành tựu to lớn của đất nước, thanh niên Việt Nam có sự phát triển toàn diện, vượt bậc cả về trình độ, nhận thức, tầm vóc và sức lực. Thực tiễn cho thấy Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đoàn đã được thực hiện một cách xuất sắc, toàn diện.

 

 Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 thành công tốt đẹp - Nguồn: news.zing.vn.

Đến ngày 13-11-2017, Đại hội Đoàn các cấp đã được hoàn thành trên phạm vi cả nước. Tham dự Đại hội có 999 đại biểu là những cán bộ, đoàn viên ưu tú đại diện cho hơn 6,4 triệu đoàn viên và gần 24 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X trình Đại hội; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X; Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sửa đổi, bổ sung.

Đại hội Đoàn là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Đại hội đã bầu 151 đồng chí đoàn viên vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI.

Đại hội đã biểu quyết thông qua tất cả các văn kiện của Đại hội gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X và Điều lệ sửa đổi, bổ sung…

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ nhất khóa XI đã bầu 31 đồng chí vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; bầu 4 đồng chí vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn; bầu đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI; bầu Ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn khóa XI gồm 19 đồng chí.

Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Với khẩu hiệu hành động: “Tuổi trẻ Việt Nam tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sang tạo, phát triển”. Nghị quyết nêu rõ 11 chỉ tiêu trọng tâm; 7 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản và 10 đề án trọng điểm.

4. Cuộc chiến chống tham nhũng bước vào giai đoạn mới

Chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng được Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì thực hiện đã nhiều năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cuộc chiến nay nhiều năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn.

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - Nguồn: baotintuc.vn.

Với quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, năm 2017, công tác chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng đã bước vào một giai đoạn mới với khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có “vùng cấm”.

Hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử. Đó là vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm ở Oceanbangk; vụ Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm ở Công ty Housing Group…

Hàng loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, cách chức, cảnh cáo: Bí thư thành ủy Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự; nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng; nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện; nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh; nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; nguyên Bộ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ; nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phùng Quang Hùng; nguyên chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thế Dũng; nguyên thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa…

Đặc biệt là nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cùng các cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như: Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Sơn, Phan Đình Đức, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc khánh… đã bị kỷ luật, bị bắt, bị truy tố, xét xử.

Việc xử lý nghiêm và quyết liệt đối với các lãnh đạo cao cấp, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng nhất là ở Tập Đoàn dầu khí Việt Nam và thành phố Đà Nẵng cho thấy công tác xây dựng Đảng, chống tham nhũng đã bước vào giai đoạn quyết liệt, lối cuốn cả xã hội vào cuộc. Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Lò đã nóng lên, không ai có thể đứng ngoài cuộc".

5. Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh

Tại kỳ họp thứ 4, ngày 24-11-2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 15-01-2018.

 

Với Nghị quyết về cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước “đột phá” vận hành theo cơ chế hoàn toàn mới với nhiều kỳ vọng - Nguồn: vneconomy.vn.

Nghị quyết là sự thể chế hóa nhanh nhất ở các cấp cao nhất chỉ đạo của Đảng, chỉ tròn 1 tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW. Nghị quyết được ban hành, đáp ứng đầy đủ quy trình thủ tục thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất Việt Nam, số lượng dân số chiếm 9% cả nước nhưng đóng góp 22% GDP, 28% ngân sách; 30 mươi năm qua tăng trưởng kinh tế đều đạt 10,7%. Do những rào cản về cơ chế, chính sách những năm gần đây thành phố có dấu hiệu chững lại, suy giảm; các nguồn lực xã hội không được phát huy có hiệu quả; một số lĩnh vực tụt hậu; môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, xã hội nhiều bức xúc, phức tạp; dịch vụ xã hội, an sinh xã hội yếu kém; chất lượng sống của người dân suy giảm.

Nghị quyết trao quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh ở nhiều lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ... Lãnh đạo và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá Nghị quyết này là “quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ kịp thời”. Với Nghị quyết về cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước “đột phá” vận hành theo cơ chế hoàn toàn mới với nhiều kỳ vọng.

6. Du lịch Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt khách quốc tế

12,9 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là con số quá ấn tượng. Sự yếu kém của các dịch vụ du lịch, triết lý du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước nhiều năm qua đã thực hiện không tốt vì vậy mặc dù Việt Nam có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú, có nhiều kỳ quan, con người Việt Nam nổi tiếng là mến khách, thân thiện nhưng nhiều năm qua khách quốc tế vẫn rất thưa thớt (năm 2016 cao nhất cũng chỉ chưa đến 10 triệu khách).

 

 Du lịch Việt Nam lập kỳ tích đón gần 13 triệu khách quốc tế năm 2017 - Nguồn: vneconomy.vn.

Con số 12,9 du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 quả là một con số ấn tượng. Bên cạnh đó, ngành du lịch nước ta còn phục vụ 73,3 triệu lượt khách nội địa. Nếu tính chung cả khách quốc tế và khách nội địa thì năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đã đạt con số 86,2 triệu lượt khách, quả là một con số kỳ tích. Và, theo đó, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 510.000 tỷ đồng (23 tỷ USD), đã góp phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước (7% GDP).

Với thành công ngoạn mục trên, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào vị trí số 6/10 điểm đến phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017. Đồng thời Việt Nam cũng tăng 8 bậc (67/136) về năng lực cạnh tranh Lữ hành và Du lịch. Đặc biệt, Inter Continental Danang Sun Penisula Resort liên tục được bình chọn là "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới", Khu nghỉ dưỡng JW Marriot Phu Quoc Emeral Bay được chọn là "Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới", Vietravel được bình chọn là "Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới", Vietnam Airlines được bình chọn là "Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa"...

Đây chính là kết quả của nhiều lỗ lực chung rất đáng khích lệ, nhất là sau gần một năm Chính phủ ra Nghị quyết quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự “tăng trưởng” đột biến của ngành du lịch năm 2017, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng rằng vào năm 2020 Việt Nam sẽ đón 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa và đưa tổng thu từ ngành du lịch đạt 35 tỷ USD, đóng góp trên 10% GĐP.

7. Dự án BOT - những bức xúc không chỉ của người dân

Bên cạnh những thành tựu toàn diện “đột phá” về kinh tế - xã hội mang đến một tinh thần mới cho cả xã hội thì, năm qua, dư luận xã hội cũng vô cùng bức xúc về những bất cập trong một số dự án BOT giao thông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 10 năm qua cả nước đã thực hiện 71 dự án BOT do Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư. Trong 5 năm từ 2011 đến 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động 171.251 tỷ đồng đầu tư vào 58 dự án giao thông theo hình thức BOT.

 

 Nhiều dự án BOT thực hiện không đúng bản chất của BOT - Nguồn: dantri.com.vn.

Trong điều kiện nền kinh tế chúng ta hiện nay, chủ trương xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông theo hình thức BOT là hết sức đúng đắn. Thực tế nhiều dự án BOT đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rất thiết thực, nhất là ở các địa phương. Đã bước đầu góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần suy nghĩ quanh cách thực hiện BOT. Nhiều dự án BOT thực hiện không đúng bản chất của BOT. Việc đặt các điểm thu phí giao thông không đúng vị trí, nhất là trên các tuyến quốc lộ, đường dân sinh đã có từ trước sau khi cải tạo sơ sài, giá phí quá cao… đã gây bức xúc đối với người tham gia giao thông dẫn đến sự phản ứng quyết liệt của người dân. Trạm thu phí ở Cai Lậy (Tiền Giang), Bến Thủy (Nghệ An), Đường 5 (Hải Phòng)… là những ví dụ.

Đặc biệt, số tiền đầu tư thực hiện các dự án BOT không phải vốn của các chủ thể tư nhân mà chủ yếu là vay ngân hàng Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước cuối năm 2016 chỉ rõ, có 80 - 90% số vốn đầu tư cho các dự án BOT giao thông là vốn vay ngân hàng. Cụ thể, 5 năm qua ngành ngân hàng đã cho các dự án BOT giao thông vay 140.000 - 154.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% dự án BOT đều chỉ định thầu. Các quy trình ra quyết định, xây dựng, vận hành đều thiếu công khai, minh bạch, thiếu giám sát, kiểm soát.

Có thể khẳng định, thực hiện các dự án BOT trong điều kiện hiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay là một tất yếu nhưng cách làm, cách thực hiện, cách thu hút vốn, triển khai, vận hành cần phải được xem xét lại một cách toàn diện. Không phải chỉ người dân bức xúc mà cả về mặt quản lý kinh tế, quản trị xã hội cũng còn nhiều lo ngại với cách thực hiện BOT hiện nay.

Theo TCCSĐT

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều