|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới trên cơ sở tổng kết 10 năm Chỉ thị 18 năm 2012, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện.
"Công tác đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT. Trong các năm 2003, 2012, 2023, cứ mỗi 10 năm, Ban Bí thư đều có chỉ thị chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn giao thông. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Qua đánh giá cho thấy, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư đến nay, các cấp, các ngành đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 18. Trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của toàn dân, góp phần làm chuyển biến tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trong thời gian gần đây, đã có nhiều cách làm sáng tạo như kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát xe quá tải, quá khổ…
Qua đó, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ nét, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm mạnh.
"Năm 2022 đã giảm 3.000 người chết so với năm 2012, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm 548 người chết do TNGT.
Tuy nhiên, những chuyển biến đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp. Thiệt hại do TNGT gây ra vẫn rất lớn.
Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 20.000 vụ TNGT, làm chết 7.000 người, bị thương khoảng 16.000 người.
Trong đó khoảng 70% số người chết, bị thương trong độ tuổi lao động, gây hệ luỵ rất nặng nề cho xã hội, khiến người dân lo lắng, bất an khi tham gia giao thông", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác này, công tác quản lý nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập, chưa xác định rõ trách nhiệm từng lĩnh vực dẫn đến hiệu lực, hiệu quả.
Có thể nói, Ban Bí thư Ban hành Chỉ thị số 23 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo Chỉ thị của Ban Bí thư; phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại nhất là những khó khăn về pháp luật, cơ chế, chính sách, sự phối hợp, từ đó, kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới; tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị 23 của Ban Bí thư; thảo luận các biện pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu yêu cầu của Ban Bí thư đã đề ra.
Theo Hải Minh/Báo Điện tử Chính phủ