Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới đã và đang tiếp tục trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoặc giảm quy mô sản xuất, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được nâng cao, điều cốt yếu là doanh nghiệp trong nước phải tạo ra được những sản phẩm đủ sức chinh phục người Việt, dành được sự tự hào của người Việt.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, theo nhiều nghiên cứu, năng lực sản xuất của doanh nghiệp nước ta là lớn, tuy nhiên tiêu dùng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại là xuất khẩu, nếu không xuất khẩu được sẽ xảy ra tình trạng đình trệ. Do đó, vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc đưa ra những đề xuất, lời khuyên cần thiết, kịp thời để bảo vệ đội ngũ doanh nghiệp trong nước, bảo vệ và nhân rộng thương hiệu nước ta đã có tên tuổi để hoàn thành được sứ mệnh phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19.
Theo GS. TSKH./ Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra, bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, Nhà nước cần tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh, tự chủ trên thị trường, không dựa dẫm vào ngân sách nhà nước.
Ở góc độ xã hội, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không nên tạo thành sự ép buộc hay trách nhiệm cho người dân là phải mua hàng Việt Nam mà cần tạo được nhận thức cho người dân tin dùng hàng Việt, tự hào về chất lượng hàng Việt, loại bỏ tư tưởng sính ngoại.
TS. Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, với nhiều thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, thế giới đang có sự tin tưởng vào Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt không vì thế mà đánh mất mình, cần làm tốt hơn nữa trong sản xuất hàng hóa, đồng thời MTTQ Việt Nam cần tham gia giám sát về vấn đề này, phối hợp với những doanh nghiệp có uy tín, hàng hóa chất lượng cao và có cam kết chất lượng sản phẩm lâu dài.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lí thị trường, từ “ưu tiên” đến “tự hào” dùng hàng Việt Nam là sự chuyển biến rất lớn, cho thấy nhận thức của người dân đã được thay đổi theo thời gian thực hiện Cuộc vận động. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp có hành động tư lợi, tự bán rẻ thương hiệu của mình, hạ chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Do vậy, lực lượng quản lí thị trường rất cần sự chung tay vào cuộc của MTTQ, các cơ quan chuyên môn để ngăn chặn những hành vi xấu, cùng người dân chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, về nội dung Cuộc vận động, người Việt Nam phải cần tự hào về hàng Việt Nam, bởi nếu chỉ “tự hào dùng hàng Việt Nam” như trong 10 năm qua, vấn đề sẽ chỉ dừng lại ở tiêu dùng. Bên cạnh tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần có thêm trách nhiệm trong khâu sản xuất, duy trì và cải thiện chất lượng sản phẩm do mình làm ra, từ đó giúp xóa bỏ tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn tồn tại trên thị trường Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin chiến thắng khó khăn, vượt qua thử thách của nhân dân Việt Nam; tuyên truyền và vận động nhân dân đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ các nước khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, từ những ý kiến, đề xuất cụ thể, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học tại Hội nghị, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ đạt được nhiều thành công lớn, góp phần khôi phục nền kinh tế nước nhà, đồng thời MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tham gia giám sát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của hàng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tiến Đạt