Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt những kết quả quan trọng. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật và thông tin rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Điều đó cho thấy sự thống nhất trong nhận thức của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đó không những là quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, gây thiệt hại về kinh tế, làm nghèo đất nước với các vụ đại án tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ đồng mà qua cuộc đấu tranh này làm cho Đảng trong sạch vững mạnh.
Phải có biện pháp cứng rắn
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Làm cho Đảng vững bền”. Để làm được việc này phải loại ra khỏi hàng ngũ những phần tử “hủ bại” mà tham nhũng là biểu hiện “hủ bại” đó. Qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không chỉ kỷ luật, xét xử người vi phạm mà chính là tạo đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu, thực hiện vai trò lãnh đạo và cầm quyền trong tình hình mới.
PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tham nhũng phá hoại tất cả sự vững mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội nên phải quyết liệt phòng, chống nếu không đất nước khó phát triển bền vững được. Mục đích đầu tiên và cuối cùng của Đảng là vì dân; vì thế những hành động không vì dân, trong đó có hành vi tham nhũng phải cương quyết loại bỏ. Phòng tham nhũng có vai trò quan trọng, trong đó cần xây dựng thiết chế để các cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhau, giám sát chéo, người dân cũng có thể giám sát được và phải có biện pháp cứng rắn.
Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2 Sùng Thìn Cò (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) cho rằng, đối với tài sản bất minh cần cả quá trình điều tra, xác minh mất nhiều thời gian. Trong khi việc thu hồi tài sản cũng chưa được kiên quyết.
“Tài sản tham nhũng không có cánh mà bay. Nó chỉ vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết thôi chứ không đi đâu cả. Trước mắt thì cũng khó nhưng mà về lâu dài thì chắc chắn sẽ thu hồi lại. Đó cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân” - ông Sùng Thìn Cò cho biết.
Chống tham nhũng phải trở thành phong trào
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: công tác phòng, chống tham nhũng vẫn đang được làm quyết liệt, không chỉ có “chống” mà cơ bản, lâu dài chính là “xây”. “Chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe, để tham nhũng, tiêu cực không xảy ra.
Tổng Bí thư cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm, phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn, nhưng làm từng bước, phải nắm vững luật pháp, làm cho đúng đắn, để giáo dục, răn đe, ngăn chặn, cảnh tỉnh người khác không sa vào vết xe đổ.
Theo ông Hồ Việt Hiệp, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang, pháp luật trong phòng chống tham nhũng và hàng loạt những vấn đề lớn phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để góp phần chống tham nhũng. Không chỉ hoàn thiện về Luật phòng chống tham nhũng, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự mà còn những luật hàng ngày hàng giờ thiếu chặt chẽ cũng nảy sinh tham nhũng.
“Do ta chưa nghiên cứu có giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực. Muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế hoặc và hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh, kín kẽ đến mức để người ta không thể tham nhũng. Chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm để không không dám tham nhũng”.- ông Hồ Việt Hiệp nói.
Chống tham nhũng hiện nay phải trở thành phong trào của quần chúng chứ không phải việc riêng của Đảng, Nhà nước. Muốn chống tham nhũng có kết quả, thì trước tiên Đảng và Chính phủ phải có quyết tâm chính trị và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp.
Nhìn lại kết quả từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII càng khẳng định, chỉ khi những người có trọng trách trong cuộc chiến chống tham nhũng thật sự bản lĩnh, thật sự liêm chính và biết tôn trọng pháp luật thì mới có thể giữ được mình, mới có thể ngăn được các đồng chí của mình không dám tham nhũng. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng với chế tài xử lý thích đáng và việc thực thi pháp luật nghiêm minh để không ai có thể tham nhũng và không dám tham nhũng./.