|
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời tranh luận của các ĐBQH. |
“Đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán công khai trên các nền tảng và trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Tiktok, Bộ TT-TT cần có bộ lọc kỹ thuật để tự động khoá các trang quảng cáo vi phạm”, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ riêng với phóng viên báo Tin tức trưa 4/11.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sáng 4/11, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ giải pháp trong thời gian tới để xử lý nghiêm vấn nạn hàng giả, hàng nhái “nở rộ” bán công khai trên Facebook, Zalo hay Tiktok.
Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Trịnh Xuân An về vấn đề quảng cáo sai sự thật trên mạng, “tư lệnh” ngành TT-TT cho biết: “Trước đây, quảng cáo trên các cơ quan báo chí như: Báo, tạp chí, các đài quy định các cơ quan này phải rà soát quảng cáo và đảm bảo quảng cáo đó thực hiện đúng pháp luật. Nhưng trong 2 năm qua, các báo điện tử, trang tin điện tử bán một khoảng trống trên trang nhất, các trang của mình. Các công ty quảng cáo nước ngoài đưa nội dung vào quảng cáo, các cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý và quên phần chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, hiện Bộ đã sửa các Nghị định, thanh tra, kiểm tra, nên các cơ quan báo chí, tạp chí, báo điện tử, trang tin đã ý thức được hơn trong việc quản lý các nội dung quảng cáo.
“Hiện quảng cáo sai chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube… Giải pháp Bộ TT-TT tập trung trong thời gian tới là tổ chức thanh tra về các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo. Một lần nữa, Bộ muốn truyền đi thông điệp là các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay xử lý các quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giớ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Liên quan tới vấn đề nhức nhối hiện nay là thực trạng khủng bố qua điện thoại, tin nhắn và sim rác chưa được giải quyết triệt để.
"Cử tri phản ánh mỗi ngày họ nhận được không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, tin nhắn liên quan tới đòi nợ thuê, quảng cáo. Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả như thế nào để chấm dứt tình trạng này?", đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu câu hỏi chất vấn.
Thừa nhận vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Mỗi tháng Bộ này nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, khủng bố.
“Thời gian qua, các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt nên tin nhắn rác không còn nhiều như trước. Bộ đã công bố số điện thoại để người dân phản ánh cuộc gọi rác. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác lại đang nổi lên. Điện thoại rác là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan hàng tháng gấp 3 lần Việt Nam. Về lâu dài, các nhà mạng sẽ phải dùng công nghệ để loại bỏ vấn nạn này. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay các nhà mạng đã loại bỏ được 22 triệu sim không đầy đủ thông tin, đây là kết quả đáng ghi nhận của doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý. Bộ TT-TT đã tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông xem xét trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp giải quyết dứt điểm nội dung này.
"Nhiệm vụ này thực hiện chậm, còn tồn tại, người dân còn bức xúc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề này; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cố gắng trong việc ngăn chặn sim rác và sẽ xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Minh Phương/Báo Tin tức