Cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Việt-Lào

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào là nghĩa trang lớn, quy tập các phần mộ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự hy sinh trên các chiến trường Lào.
 
Trước khi vào buổi lễ, các đại biểu thắp hương tưởng niệm trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào. Ảnh: Phạm Bằng

Tối 18/7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban tổ chức lễ hội "Uống nước nhớ nguồn" tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7.

Tham dự Đại lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân Khu IV, các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An cùng hàng ngàn tăng, ni, phật tử, nhân dân từ mọi miền Tổ quốc.

 

Các đại biểu tham dự tại Đại lễ cầu siêu và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Phạm Bằng

Các chư tôn đức và tăng, ni, phật tử cầu siêu cho anh linh các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào diễn ra với các nghi thức truyền thống gồm: dâng hương, dâng hoa lên Đài tưởng niệm; dâng hương kính bái anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ; tưởng niệm và nguyện cầu cho anh linh những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả được siêu thoát.

Tại Đại lễ cầu siêu, hàng nghìn ngọn nến, bông hoa và nén hương thơm đã được các tăng, ni, phật tử và nhân dân khắp mọi miền dâng lên các phần mộ, thể hiện lòng tri ân và báo ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Đại lễ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) Nguyễn Hữu Sáng khẳng định việc tổ chức Đại lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, trước hết là để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây," là truyền thống quý báu ngàn đời của người dân Việt Nam.

Đây cũng là dịp để những người con dân tộc được may mắn sống trong cuộc sống hòa bình, thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Đại lễ còn là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống giặc ngoại xâm; tôn vinh những tấm gương anh hùng bất khuất của lớp lớp cha anh đi trước và giáo dục truyền thống yêu nước ủa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ hôm nay.

Quân và dân huyện Anh Sơn sẽ quyết tâm thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các thương, bệnh binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng để các anh hùng liệt sỹ yên lòng; phấn đấu để nơi các anh yên nghỉ, cây cối sẽ đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái, mãi mãi xanh tươi.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đọc văn tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào.

Nghi lễ rải đậu cát tường cầu siêu tại các phần mộ anh hùng, liệt sỹ yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định trải qua hai cuộc kháng chiến giúp nước bạn Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã luôn kề vai sát cánh cùng với quân và dân Lào, cùng chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng, củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và hạ Lào.

Các chiến sỹ ta đã coi đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình và thực hiện đúng lời Bác Hồ đã dạy “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam." Chính vì vậy, quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng nhận được tình cảm yêu thương của nhân dân Lào.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào là nghĩa trang lớn, quy tập các phần mộ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự hy sinh trên các chiến trường Lào. Trong số đó, khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên của liệt sỹ cùng quê quán và 570 mộ có tên liệt sỹ nhưng chưa rõ quê quán. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc./.

Theo Tá Chuyên (TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều