Dự Đại hội còn có ông Dương Thành Bắc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đại diện một số ban, đơn vị của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các chi hội cùng 31 hội viên Hội Luật gia cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Trình bày Dự thảo báo cáo việc kiện toàn tổ chức Chi hội Luật gia Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2018-2023, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật cho rằng: Đại hội Chi hội Luật gia UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong bối cảnh UBTƯ MTTQ Việt Nam đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Hội Luật gia Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Kết luận số 19/KL-TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam và Chỉ thị số 08/2013/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, nhằm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đã đề ra, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; hội nhập quốc tế... Mỗi hội viên đều xác định và thực hiện “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” góp phần vào nhiệm vụ chung của MTTQ Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam.
Theo ông Vương Văn Nam, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới là phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động xây dựng và phát triển Chi hội Luật gia UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng vững mạnh. Xây dựng đội ngũ Luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát huy dân chủ. Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Trong phần thảo luận tại Đại hội, có nhiều ý kiến đề xuất: để hoạt động của Chi hội Luật gia cơ quan hiệu quả thiết thực, gắn bó chặt chẽ với hoạt động chuyên môn của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, phương hướng hoạt động cần được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá một số nhiệm vụ, quyền hạn gắn với đặc thù của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, nhất là kiến thức pháp luật cơ bản về Mặt trận và công tác Mặt trận hiện nay.
Cùng với đó, việc tham gia xây dựng và phát huy hiệu quả Tủ sách pháp luật cũng rất cần được chi hội quan tâm thực hiện, vì đây là một hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Chính phủ quy định thành Nghị định cho các cơ quan, tổ chức và cơ sở thực hiện. Cùng với đó, mỗi hội viên phát huy vai trò là tuyên truyền viên pháp luật...
Đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của Chi hội Luật gia cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng: Chi hội Luật gia cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cán bộ, công chức, viên chức là luật gia trong cơ quan với chuyên môn được đào tạo, và trên các cương vị công tác được phân công đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác Mặt trận và hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cụ thể, đã tham mưu thể chế hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng, hiến pháp, và các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến thẩm quyền, vai trò vị trí của Mặt trận Tổ quốc, góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế chính sách, hoàn thiện hoạt động của MTTQ như: Quyết định 217, 218 về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Tham mưu cho Ban Thường trực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, pháp lệnh, các Nghị định của Chính phủ, hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện trên các mặt của đời sống xã hội và chất lượng các văn bản pháp luật ngày càng được nâng cao.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A lềnh ghi nhận: Chi hội tham mưu xây dựng và tổ chức các cuộc giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng mà nhân dân quan tâm. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Hình thực tổ chức giám sát linh hoạt, phù hợp, đảm bảo quy trình. Chất lượng giám sát ngày càng được nâng lên, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương và nhân dân hoan nghênh. Bên cạnh đó, hoạt động phản biện đã bước đầu thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc xây dựng hệ thống chính trị trình các kỳ họp Quốc hội. Tổ chức tốt các hoạt động tiếp và hướng dẫn cho người dân hiểu biết pháp luật, kiến nghị xử lý hàng ngàn đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân chuyển tới các cơ quan chức năng, các địa phương để chỉ đạo xử lý.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh lưu ý, thời gian tới, Chi hội cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước đang xây dựng và hoàn thiện dần thể chế nhà nước pháp quyền; tiếp tục thể chế hoá nhiều chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước thành các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có liên quan đến vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, để vai trò của MTTQ Việt Nam thời gian tới ngày càng được nâng lên.
Nhân dịp này, Đại hội đã trao 31 thẻ hội viên cho 31 hội viên Chi hội Luật gia Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam thuộc Hội Luật gia Việt Nam.
Đại hội bầu ra ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam là Chi Hội trưởng Chi Hội Luật gia cơ quan UBTƯMTTQ Việt Nam.
H.Nhi - Ảnh: Quang Vinh