|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa là việc làm hệ trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoan nghênh việc Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề này. Thời gian qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cử nhiều thành viên tham gia Đoàn giám sát và trực tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tham gia các các cuộc giám sát, khảo sát thực tiễn qua đó ghi nhận nhiều ý kiến.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành họp về nội dung này và dành thời gian nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, trao đổi làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới việc đổi mới sách giáo khoa. Qua đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhất trí cao với nhiều ý kiến cho rằng đổi mới chương trình giáo dục, sách giao khoa mới có nhiều ưu điểm, từng bước chuyển sang phát huy năng lực học tập của người học. Tuy nhiên do là quá trình đổi mới, nên có những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy cần cầu thị để có điều chỉnh cần thiết để chương trình vận hành đúng hướng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, nhất là các nhóm giải pháp lớn.
Từ góc độ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần quan tâm đến 3 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.
|
Quang cảnh phiên họp |
Nêu vấn đề về việc có hay không một bộ sách giáo khoa mà do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác.”, như vậy khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13, thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn.
“Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kiến nghị.
Vấn đề thứ hai mà Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề cập tới là việc phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông hiệu quả để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành giáo dục, đào tạo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Bởi đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là việc lớn, cần nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân.
Đề cập đến vấn đề chính sách, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng cần phải có chính sách để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Đặc biệt là chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những nơi còn khó khăn; đồng thời cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc, quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Đó là chính sách dân tộc tiếp cận cả 2 yếu tố, yếu tố địa bàn và yếu tố dân tộc.
Nhấn mạnh việc sửa đổi, điều chỉnh phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển tốt hơn, thay mặt cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi lời cảm ơn công lao rất to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo đã dày công dạy dỗ, chăm sóc, đào tạo một thế hệ tương lai cho đất nước, ngay kể cả bây giờ và mai sau.
Hương Diệp (ghi)