|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội đã tổ chức Hội nghị để nhìn nhận, đánh giá căn cơ công tác lập pháp trong nửa nhiệm kỳ qua và nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm nửa nhiệm kỳ tới. Đây là cách làm sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần đồng hành với Chính phủ trong việc thực thi pháp luật, gắn xây dựng pháp luật với thực thi.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, đóng góp quan trọng để đất nước ta vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, thích ứng linh hoạt với biến đổi nhanh, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.
Quốc hội đã thực hiện đồng bộ cả sáng kiến lập pháp, thẩm tra, thông qua Luật, giám sát các chủ thể thực thi pháp luật. Hơn hai năm của nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản bao gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh, 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những con số biết nói nêu trên thể hiện công sức của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan là rất lớn.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Trong đó, nhiệm vụ phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và giám sát quá trình thực hiện là nhiệm vụ rất quan trọng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh và nêu rõ, tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã nhấn mạnh: “Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”.
Đồng thời, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với các quy định, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ trước đã tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp luật để MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với đề nghị xây dựng luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, ý thức sâu sắc, vị trí và trách nhiệm của mình, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, góp ý và phản biện hơn 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã dành công sức, tâm huyết tham gia góp ý kiến phản ánh, phản biện khá tốt dự thảo Luật đất đai sửa đổi và dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công tác phản biện xã hội ngày càng nề nếp và chất lượng được các cơ quan chủ trì soạn thảo luật và các vị đại biểu Quốc hội ghi nhận.
Phát huy kết quả đã đạt được từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới việc MTTQ Việt Nam sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt, tiếp tục đề cao trách nhiệm đổi mới tổ chức bộ máy để nâng cao hơn nữa chất lượng phản biện xã hội đối với các dự án luật Quốc hội sẽ thông qua từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Giám sát các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thực thi pháp luật và hướng dẫn hệ thống MTTQ Việt Nam thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức, đề xuất với cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân để thực hiện khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; làm sâu sắc, sáng rõ thêm nguyên tắc cơ bản: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Nhất là quy trình, nguyên tắc hiệp thương bầu cử, giám sát hoạt động của đại biểu dân cử để nâng cao thực chất quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam.
Nhắc tới Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được cơ quan chủ trì, soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cấp, các ngành, cử tri và Nhân dân đóng góp nhiều công sức trong quá trình chuẩn bị; theo lộ trình kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục có cơ chế phù hợp để lắng nghe ý kiến một cách cầu thị hơn nữa các đối tượng bị tác động đối với một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Chúng tôi cho rằng Luật Đất đai sửa đổi lần này rất quan trọng, một số nội dung đến thời điểm này cảm nhận của MTTQ Việt Nam tiếp cận từ góc độ Nhân dân thấy còn nhiều ý kiến, do vậy cần làm rõ thêm.
Qua thực tiễn triển khai cho thấy, cùng một nội dung công việc, cùng một hệ thống pháp luật như nhau, địa phương này thì thực hiện được, địa phương khác cho là vướng mắc không thực hiện được, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, điều đó cho thấy nhận thức pháp luật còn khác nhau do năng lực của cán bộ khác nhau. Bởi vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, nhất là khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn...
Hương Diệp (ghi)