Chủ tịch nước dự Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ

Tối 6/4 (nhằm ngày mùng 6/3 âm lịch), tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng - một điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng, đất Bắc, một điểm nhấn trung tâm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại sự kiện này. Dự lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tới dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Mở đầu buổi lễ, tại Đền chính của Đền thờ Vua Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương thành kính, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng.  

Viết sổ lưu bút tại Đền, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, nơi đây sẽ là điểm hội tụ tâm linh thờ kính tôn nghiêm các vua Hùng tại vùng đất phương Nam và kết nối linh thiêng với Đền Hùng nơi đất Bắc, như mạch nguồn Bắc-Nam một nhà, non sông một dải, phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, nhắc lại lời dạy của các bậc tiền nhân: "Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn", Chủ tịch nước nêu rõ: Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt, là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong dựng nước và giữ nước; cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Chủ tịch nước cho biết, thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân Thành phố Cần Thơ và đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Sau hơn 2 năm nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay, chúng ta vui mừng khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất "Chín Rồng" anh dũng quật cường.

Đề nghị Thành phố Cần Thơ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình một cách hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch nước mong muốn công trình Đền thờ các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam này sẽ là một điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng, đất Bắc, như mạch nguồn Nam - Bắc một nhà và trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm.

Chủ tịch nước khẳng định, việc xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và các đại biểu dự lễ khánh thành.  
Trong không khí kính lễ trang nghiêm, trước anh linh các vua Hùng, Chủ tịch nước kêu gọi đồng chí, đồng bào cả nước "cùng nhau kết đoàn, nối nghiệp các bậc Tiên Tổ, như lời Bác Hồ dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Lời dạy thiêng liêng của Bác không chỉ là lời căn dặn về quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà với Đồng bằng Sông Cửu Long chúng ta còn có thêm sứ mệnh gìn giữ vùng đất đai màu mỡ trước các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc cùng nhau phải giữ lấy nước cũng chính là đoàn kết quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 2/4/2022.

Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ là công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng mang tầm Quốc gia; được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng vào ngày 6/9/2016; khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2019 tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ thiết kế và thi công với tổng số vốn 130 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 39 ngàn m2.

Hình thức kiến trúc của Đền thờ chính là hình trống đồng cách điệu 18 cánh; Nhà điều hành, Nhà dịch vụ, Nghi môn, nhà bia được thiết kế với hình thức kiến trúc nhà trệt mái dốc, kiến trúc dạng tháp, hình thức nhà gỗ truyền thống của người Nam bộ. Điểm nhấn của công trình là Đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương, được bao quanh bởi hồ nước. Đền thờ chính có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Bao quanh đền thờ chính là 54 khối cột hình trụ kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

 Chương trình nghệ thuật tại lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Lễ khánh thành có chủ đề "Thăng hoa hào khí Lạc Hồng", với chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh, chia làm ba phần bao gồm Hùng sử Lạc Hồng, Âm vang hùng sử và Thăng hoa hào khí, được diễn họa thông qua nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như hò Cần Thơ, sử thi, diễn tấu trống đồng, võ thuật Nam Bộ, đờn ca tài tử, hòa đàn nhạc cụ dân tộc, đồng ca… Tất cả nhằm mở ra trang sử từ thời kỳ Hùng Vương, là bản sử thi huyền thoại về lịch sử vươn mình của cả dân tộc Việt, bồi tụ trong mạch ngầm lịch sử hàng nghìn năm để kiến tạo nên một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc.

Theo TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều