Chú trọng đổi mới phương pháp thực hiện Luật MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 14/9, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu đoàn kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham gia đoàn công tác có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo báo cáo tổng hợp tại buổi làm việc, 5 năm qua, việc thực hiện các nội dung quy định trong Luật MTTQ Việt Nam của các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác giám sát, phản biện. Công đoàn Việt Nam các cấp đã chủ trì giám sát 19.121 cuộc, tham gia giám sát 36.155 cuộc, thực hiện phản biện thông qua tổ chức 17.363 hội nghị phản biện, 17.244 lần gửi dự thảo văn bản và đối thoại trực tiếp 28.868 cuộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã 3 lần gửi văn bản phản biện nội dung Luật quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tới cơ quan chủ trì soạn thảo, phản biện đối với các nghị định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam...

 Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. 
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, thông qua việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, các cấp Công đoàn Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung và phương pháp giám sát, phản biện xã hội, từ đó nâng cao vai trò Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động.

Về phía đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá cao nội dung giám sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về BHXH, BHYT, BHTN, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường... hướng tới bảo vệ quyền lợi của người lao động.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc. 
Những nội dung này trong thời gian tới cần được phát huy, kèm theo giám sát, phản biện nên đi sâu hơn vào quan hệ lao động, tạo được sự hài hòa, hạn chế xảy ra nhiều tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, phương thức giám sát của các cấp Công đoàn cần được đặt ra rõ nét hơn, đúng quy trình, làm sao có thể lắng nghe được đầy đủ ý kiến người dân, theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, khắc phục, giải quyết những vấn đề đã được phản ánh, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, thời gian qua, công tác đổi mới phương thức chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm chỉ đạo và thực hiện.

Bên cạnh đó, số lượng cuộc giám sát, phản biện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong 5 năm qua đang nổi trội trong khối các tổ chức chính trị - xã hội.

Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên tăng cường sự trao đổi thêm với các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam về kinh nghiệm, cách làm hay trong việc vận dụng những thuận lợi cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế của Luật MTTQ Việt Nam vào công tác giám sát, phản biện, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam.

 

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh vui mừng khi nhận thấy, một trong những kết quả quan trọng trong thi hành Luật MTTQ Việt Nam của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nhiều nội dung phản biện của Công đoàn các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời đã được MTTQ Việt Nam đưa vào tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của Quốc hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên cần chú trọng thay đổi phương pháp thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, tăng cường sự phối hợp lẫn nhau để hình thành quy chế, tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, vướng mắc để từ đó rút ra được đánh giá chính xác về tác động của Luật đến với từng tổ chức, đơn vị, giúp cho quá trình thi hành Luật MTTQ Việt Nam đạt hiệu quả hơn trong tương lai.

Tiến Đạt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều