Chuyển cơ quan công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê hay phải cấm?

Cơ quan công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê phải tương tự như các dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ…

Tranh luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều 26/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cho rằng chỉ đặt vấn đề cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê khi đó là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác thì mới cấm.

 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị.

Chưa quản đã cấm

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Nghị định quản lý ngành dịch vụ đòi nợ thuê đã có từ năm 2007. Vấn đề nằm ở việc nghị định này có quá nhiều điểm bất cập, không phù hợp, để kiểm soát những tác động tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê.

“Người chủ trì chịu trách nhiệm quản lý ngành đòi nợ thuê là Bộ Tài chính nhưng tài chính thì quen với quản lý tiền trong sổ sách hoặc tài chính công, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, thuế hải quan mà thôi. Trong khi vấn đề phát sinh lớn nhất của quản lý dịch vụ đòi nợ lại chính là tình trạng bạo lực, quấy rối phát sinh, mà những vấn đề này thì các cán bộ, ngành tài chính rất khó có thể xử lý được”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan cấp phép dịch vụ đòi nợ thuê là cơ quan đăng ký kinh doanh, do đó việc cấp phép như cấp phép doanh nghiệp thông thường; các điều kiện rất dễ để đáp ứng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cơ quan nên đứng ra làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê là cơ quan công an, tương tự như các dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ… Do đó rất cần thiết phải chuyển chức năng dịch vụ đòi nợ thuê về cho ngành công an quản lý.

“Tôi cho rằng bản chất vấn đề là tìm điểm cân bằng. Nếu quản lý chặt quá, dịch vụ không phát huy được hiệu quả mở rộng tín dụng cá nhân, nhưng ngược lại, nếu thả lỏng như hiện nay thì gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc. Chúng ta không quản được thì cấm, nhưng tôi xin đính chính lại là chúng ta chưa quản mà đã cấm. Trong khi đó trên thế giới, tôi chưa thấy nước nào cấm các hoạt động này mà quan trọng là tìm được biện pháp quản lý phù hợp hài hòa và cân bằng”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.

Doanh nghiệp sở hữu người lao động xăm trổ?

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh (đại biểu đoàn An Giang) lại ủng hộ quan điểm cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

 

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Ảnh: Quốc hội)

“Chúng ta đã có một thời gian để quan sát. Không có một doanh nghiệp nào, người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn, ba trạo; Công cụ lao động để đạt mục đích là dao kiếm và phương thức thủ đoạn để lao động đạt được mục đích này là dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu rõ.

“Nếu để như thế sẽ dẫn tới an nguy lớn cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật. Cơ bản nữa nó gây ra hoang mang trong xã hội và một phần nào đó nó sẽ dẫn tới mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Theo Vân Anh/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều