|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tại cuộc họp báo. |
Chiều 2/10, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sáng ngày 2/10, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước ta đã đi được 3/4 quãng đường của năm 2021 trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của đợt bùng phát lần thứ 4 đại dịch COVID - 19 với biến chủng Delta nguy hiểm.
Kết quả đạt được là cơ sở bước sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước mở cửa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp Chính phủ, các địa phương đã thảo luận công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương cho rằng, sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, đưa ra những biện pháp mới, chưa có tiền lệ để xử lý tình huống cấp bách do dịch gây ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố.
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Tại tâm dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm sâu. An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chính phủ thực hiện lộ trình chuyển hướng chiến lược sang: Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các địa phương lấy ý kiến tới cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn để nghiên cứu, đóng góp, bổ sung đề xuất các tiêu chí, giải pháp để ban hành một Hướng dẫn phù hợp với điều kiện cụ thể thực tế hiện nay về phòng chống dịch.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Chính phủ thống nhất nhận định, dù trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài, song tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 tiếp tục được duy trì. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm mạnh do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tạm dừng nhưng tính chung 9 tháng, nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 1,42%.
Nhìn một cách tổng thể, khách quan, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh khi nhiều nước trong khu vực và thế giới kinh tế suy giảm mạnh, thậm trí tăng trưởng là âm, nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như trên là một kết quả rất đáng trân trọng, đáng ghi nhận, thành quả này là sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn dân trong nỗ lực vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh.
Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, tăng trưởng dương, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 5% so với tháng trước (sau tháng 8 giảm); tính chung 9 tháng tăng 4,45%. Trên 70% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021.
Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó số các dự án quy mô lớn tăng mạnh. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Đã có trên 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15 nghìn tỷ đồng; đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Xuất cấp 151.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vaccine.
Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý, khắc phục trong đó nổi lên là: Tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm mạnh ở hầu hết các địa phương, ngành, lĩnh vực do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài; hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chi phí tăng cao, một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; nguy cơ nợ xấu gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...
Theo Viết Tôn/Báo Tin tức