Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần có hệ thống công cụ luật pháp và công cụ quản lý đủ chặt chẽ.

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc. Đó là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả…

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)trong phiên thảo luận tổ ngày 2/11. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác. Bởi việc phòng, chống tham nhũng là quan trọng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ cán bộ chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác. Cùng với đó tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức cao hơn nhiều lần so với khối doanh nghiệp thì mới đủ thu hút được cán bộ, công chức đủ đam mê, cống hiến và có trách nhiệm với công vụ của mình.

Đồng thời phải kiên trì nâng cao nhận thức, chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì khi đó công tác phòng, chống tham nhũng mới thuyên giảm…

 Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhận định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, nên số lượng các vụ án tham nhũng tăng lên do triển khai quyết liệt, phát hiện những vụ tham nhũng đã xảy ra từ nhiệm kỳ trước và phát hiện những vụ mới phát sinh.

Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ chính sách để những người thực hiện công việc có liên quan đến lợi ích họ được đảm bảo lợi ích, đảm bảo cuộc sống tối thiểu, khi đó sẽ không cần phải tham nhũng. Đồng thời xử lý thật nghiêm khi phát hiện tham nhũng, điều này đã được chứng minh trong thời gian vừa qua đã xử lý nghiêm các vụ tham nhũng đã có tác dụng răn đe hiệu quả. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thực hiện đồng bộ 3 yếu tố: Cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng".

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng để đạt được mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng cần phải kiên quyết xử lý nghiêm người vi phạm vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục.

Đối với ý kiến cho rằng, xử lý kỷ luật nhiều thì không còn cán bộ, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, đất nước ta còn nhiều người có đức, có tài, có tâm huyết với công việc Đảng, Nhà nước giao. Vì vậy, đại biểu thống nhất với quan điểm phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, xử lý nghiêm minh.

Cùng với đó cũng cần tăng cường phòng tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn vụ án xảy ra sai phạm rất lớn để lại hậu quả nặng nề. Trong đó khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xử lý bằng nhiều hình thức, nhiều bước. Điều này liên quan đến công tác cán bộ, công tác giáo dục cần được triển khai đồng bộ.

 Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành minh bạch, nếu sai phạm xử lý nghiêm để tạo sự răn đe.

Theo một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để đấu tranh có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần một số giải pháp, như: Phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho nhân dân, để nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. Chỉ khi nhân dân vào cuộc nói ra, phát hiện ra thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vặt mới hiệu quả.

Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức, các cơ quan cũng cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được tình trạng này.

TTXVN/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều