|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo dõi phiên họp qua màn hình ti vi, Đại tá Nguyễn Thuận Quảng (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nhiều đại biểu phát biểu tại hội trường đã đề cập đến những vấn đề nóng, cấp thiết của đất nước như: quản lý quỹ bảo hiểm y tế; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế… Đặc biệt, ông Nguyễn Thuận Quảng khá tâm đắc với ý kiến của đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành đến hết giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, đặc biệt là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
“Dịch COVID-19 trong 3 năm qua đã ảnh hưởng đến toàn xã hội, song đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ nghèo đến nay vẫn chưa thể ổn định được đời sống. Tôi cho rằng, Quốc hội và Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ và dành sự quan tâm nhiều hơn cho các đối tượng này”, ông Nguyễn Thuận Quảng bày tỏ.
Còn theo kỹ sư Nguyễn Duy Tiến (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), các đại biểu tham dự phiên họp sáng 27/10 không chỉ đề cập một cách thẳng thắn những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân mà còn đề xuất nhiều giải pháp cho những vấn đề mang tính vĩ mô, ảnh hưởng đến chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai gần.
Quan tâm đến việc lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của Việt Nam mà đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) nêu, ông Nguyễn Duy Tiến kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần chủ động kịch bản báo cáo Quốc hội để có các chính sách phù hợp ứng phó.
Theo ông Nguyễn Duy Tiến, hiện rất khó định hình chính sách xác thực cho các doanh nghiệp, bởi khi nền kinh tế toàn thế giới đang định hình lại thì Việt Nam cần phải nghiên cứu để đón bắt được xu thế. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia như thế nào trong chuỗi định hình mới mà thế giới đang hình thành là điều Chính phủ cần quan tâm.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, chúng ta đã đồng lòng, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn nên đạt được những kết quả trong năm 2022 khá nổi bật, vẫn duy trì dương trong khi đà tăng trưởng của rất nhiều nước bị âm. Đó là một kết quả khả quan, song cần phải lường trước những khó khăn trong thời gian tới. Tôi cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần tiếp tục bàn thảo, tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cần có những chính sách mang tính hệ thống để phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới”, ông Nguyễn Duy Tiến cho biết.
TTXVN