Đã có 103 người chết và mất tích do trận lũ lịch sử gây ra (Ảnh: ĐT-XT)
Theo đó, tính đến 17h ngày 16.10, công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Trận mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng của nhân dân. Trong đó có 103 người chết và mất tích, 31 người bị thương.
Cụ thể, chết 76 người (Hòa Bình 26, Thanh Hóa 15, Nghệ An 9, Yên Bái 17, Sơn La 6, Bắc Kạn 1, Quảng Trị 1, Hà Nam 1); Mất tích 27 người (Yên Bái 11, Hòa Bình 10, Thanh Hóa 3, Sơn La 2, Nghệ An 1); bị thương 31 người (Yên Bái 9, Hòa Bình 4, Sơn La 5, Thanh Hóa 5, Thái Bình 3, Nam Định 3, Hà Nam 2).
Các địa phương đã huy động 3.262 người bao gồm 869 bộ đội, 2.381 dân quân, 79 phương tiện để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Đã di dời 47 hộ dân ở tỉnh Yên Bái, giúp nhân dân gặt 51 ha lúa, dọn dẹp 1.700m3 bùn đất, tu sửa 5 km đường liên thôn, gia cố tránh sạt lở 2 bờ sông Cầu Chày và sông Nhà Lê.
Về tai nạn do đuối nước, ngày 16.10, tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) bà Nguyễn Thị Thắng (SN 1967), đi thuyền trên sông Hoàng Long bị ngã xuống sông tử vong. Ngày 14.10, tại khu vực sông Cà Ty (xã Đức Nghĩa, TPPhan Thiết, tỉnh Bình Thuận), cháu Lê Văn Phương (sinh 2002), đi thả lưới trên sông bị nước cuốn trôi mất tích. Cùng ngày (14.10), tại khu du lịch Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), anh Nguyễn Công Điện, (sinh 1991), đi tắm biển đã bị đuối nước, tử vong.
Cũng theo số liệu báo cáo, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo và hướng dẫn cho 75.208 phương tiện tàu thuyền với 307.625 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Theo Tiến Nguyễn/Báo Lao động