Đặc thù và công bằng

Hôm qua, Quốc hội gần như dành cả ngày để bàn về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương là Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và Thanh Hoá.

 

 Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận tại nghị trường. Ảnh: Quốc hội
Về chủ trương, đây là việc cần làm bởi mỗi địa phương có những lợi thế riêng và việc tạo ra những cơ chế đặc thù chính là nhằm phát triển những lợi thế đó.

Tuy nhiên lại không ít những băn khoăn về việc về cơ chế này vô tình tạo ra những bất công bằng với những địa phương còn lại.

Chẳng hạn, Đại biểu Cầm Hà Chung (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ) đặt vấn đề “Nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn ĐBQH và lãnh đạo các địa phương chưa được hoặc không được cơ chế đặc thù. Đại biểu này cũng phân tích, điều này dễ gây hiểu lầm trong cử tri và nhân dân vì sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này thí điểm, vì sao địa phương kia có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân, cán bộ là như nhau. “Có đặc quyền đặc lợi ở đây không, có con đẻ con nuôi không, có không công bằng không”, Đại biểu Chung nói, đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải trình rõ ràng, minh bạch, tạo thống nhất, đồng thuận với nhân dân.

Ở khía cạnh nhỏ hơn, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đi sâu vào sự so bì về thu nhập của cán bộ, công chức và người lao động: “Tự nhiên cán bộ công chức của một tỉnh bên cạnh TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương lại có lương thấp hơn cán bộ ở TPHCM; hay tại sao cán bộ công chức, viên chức ở Hải Phòng lại có thu nhập cao hơn ở Hải Dương và các nơi khác?”. 

Đại biểu An cho rằng chính sách tăng thu nhập cho cán bộ công chức viên chức còn phụ thuộc vào điều kiện phát triển của từng địa phương, tuy nhiên cần có sự rà soát, mang tính phổ quát cho các địa phương khác chứ không chỉ áp dụng ở tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. 

Rõ ràng, đây là vấn đề đáng lưu tâm. Khi có cơ chế đặc thù, địa phương có thêm nguồn lực để phát triển từ đó dẫn đến thu nhập của cán bộ công chức sẽ tốt hơn. Một mặt, cơ chế đặc thù có tác dụng thu hút và giữ chân nhân tài địa phương. Một mặt lại kéo nhân lực giỏi ở nơi khác về làm việc.

Tranh luận với những ý kiến việc cho cơ chế, chính sách đặc thù dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng các địa phương, Đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - ví von nước Việt Nam hiện có 63 người con nhưng năng lực, khả năng, tiềm năng, lợi thế của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, trừ Luật thủ đô, 62 tỉnh còn lại chung một nền tảng pháp lý, nếu như không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó kích hoạt để địa phương phát triển theo lợi thế, tiềm năng.

Song chính đại biểu Thanh Vân cũng cho rằng nên phải thí điểm, từ đó phân loại địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm địa phương.

Chính vì thế, nhiều Đại biểu cũng đề xuất cần thí điểm nhằm tạo sự bình đẳng giữa các địa phương, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Sau khi thực hiện thí điểm ở một số địa phương thì cần cơ chế giám sát, tổng kết hằng năm, để hướng tới việc áp dụng cho các địa phương có cùng điều kiện phát triển. 

Theo Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều