Tham dự cuộc họp có Đại sứ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippine và Lào (Đại sứ Lào đồng thời là Trưởng phái đoàn thường trực tại Geneve). Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của ACB kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thụy Sĩ từ ngày 25/2.
Các Đại sứ tham dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ủy ban ASEAN Bern kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Thụy Sĩ. Ảnh: Tố Uyên/Pv TTXVN tại Thuỵ Sĩ
Trong Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ACB cho Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan trân trọng cảm ơn các nước ASEAN đã bày tỏ tin tưởng và tín nhiệm cao, đồng thời nêu dự kiến chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ Việt Nam là chủ tịch ACB. Đại sứ Lê Linh Lan đã bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của ACB trong thời gian tới trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tác động nhiều mặt tới hoạt động tại sở tại.
Đại sứ Malaysia thay mặt ACB trình bày Báo cáo về các hoạt động của ACB trong thời gian Malaysia làm Chủ tịch ACB 6 tháng đầu năm 2020, đề cập những nỗ lực thực hiện kế hoạch đã đề ra trước khi đại dịch bùng phát, nhấn mạnh tình trạng dịch bệnh và các biện pháp cách ly xã hội gây cản trở đáng kể các hoạt động đối ngoại nói chung. Tuy nhiên, ACB đã nỗ lực duy trì được một số hoạt động, đặc biệt là việc tổ chức họp trực tuyến Nhóm Công tác và Ủy ban ASEAN vào tháng 5/2020.
Đại sứ các nước ASEAN chia sẻ thông tin về tình hình đại dịch COVID-19, tác động của đại dịch, ứng phó của Thụy Sĩ và các nước; nỗ lực thúc đẩy thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Thụy Sĩ- ASEAN trong Quốc hội Thụy Sĩ nhiệm kỳ mới 2019-2013. Các Đại sứ ASEAN ghi nhận và cảm ơn Thư của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis gửi ACB với nội dung tích cực, đánh giá cao và chúc mừng các nỗ lực ASEAN vượt qua khủng hoảng, nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch và phục hồi kinh tế. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ bày tỏ hết sức trân trọng quan hệ hợp tác với ASEAN và với các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt với tư cách là Đối tác Đối thoại lĩnh vực của ASEAN.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan (đứng bên trái) trong cuộc họp tại Bern ngày 2/7. Ảnh: Tố Uyên/Pv TTXVN tại Thuỵ Sĩ
Phát biểu tại cuộc họp về những nỗ lực của Việt Nam trong việc khống chế dịch bệnh, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, Đại sứ Lê Linh Lan nêu bật quyết tâm, biện pháp quyết liệt và những kết quả tích cực của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát và phòng chống dịch bệnh COVID-19, duy trì đối thoại với các quốc gia thông qua các hình thức trao đổi trực tuyến; tăng cường hợp tác và chia sẻ với các nước trong thời kỳ dịch bệnh đặc biệt là hỗ trợ, trao tặng các nước ASEAN và bạn bè quốc tế khẩu trang và các vật tư y tế trong điều kiện khắc phục khó khăn, chủ động tổ chức thành công các Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và ASEAN+3 trực tuyến.
Đặc biệt, Việt Nam đã thúc đẩy ASEAN thống nhất triển khai những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời như: Lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực; Xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh ASEAN; Triển khai các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế và xã hội sau dịch bệnh của khu vực. Đây là những nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN cùng các quốc gia thành viên và đối tác ASEAN trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch và phục hồi kinh tế.
Bày tỏ cảm ơn lời chúc mừng của ACB về thành công ấn tượng của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Đại sứ Lê Linh Lan chia sẻ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN. Hội nghị đã công bố “Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 36”; thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang thay đổi. Hội nghị cũng nhấn mạnh tinh thần tăng cường đoàn kết, hợp tác và thống nhất, hội nhập kinh tế, nâng cao nhận thức, bản sắc và năng lực chủ động thích ứng của ASEAN, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tăng cường xây dựng lòng tin, tự kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp tình hình và giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Theo Tố Uyên - Xuân Hoàng (TTXVN)